Ngay sau khi xảy ra vụ đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/7, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.


{keywords}

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi nước này nhanh chóng trở lại chính quyền dân sự một cách hòa bình. Tuyên bố của ông nhấn mạnh "hành động can thiệp quân sự vào các vấn đề quốc gia là không thể chấp nhận".

Trong khi đó, hai nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk và Jean-Claude khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chủ chốt của khối này và EU hoàn toàn ủng hộ chính phủ do người dân bầu ra, được bầu chọn dân chủ cũng như tôn trọng thể chế chính trị và luật pháp của quốc gia châu Âu này.

Trong khi đó, trong tuyên bố từ Los Angeles (Mỹ), nhóm những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, nhân vật bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính, cũng đã lên án vụ đảo chính.

Tuyên bố của nhóm nêu rõ: "Chúng tôi một mực phản đối mọi hành động can thiệp quân sự vào vấn đề chính trị quốc gia. Chúng tôi lên án hành động can thiệp quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ". Nhóm cũng chỉ trích những bình luận từ phía những người ủng hộ Tổng thống Erdogan là "thiếu trách nhiệm" khi đổ lỗi cho nhóm đứng đằng sau vụ đảo chính.

Thông báo về nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Nhà Trắng cho biết cả hai ông đã nhất trí rằng "tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải ủng hộ chính phủ dân chủ và được bầu chọn, cũng như kiềm chế và tránh bất kỳ vụ việc bạo lực hoặc đổ máu nào".

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ thông báo những chuyến bay khởi hành từ sân bay Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ trước khi sân bay này đóng cửa sẽ được phép hạ cánh trên đất Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ tìm nơi trú ẩn trong thời điểm hiện nay.

Cùng ngày, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Mỹ tuyên bố lực lượng này đã biết về cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiến hành các biện pháp tự vệ vũ trang cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho các quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ - nằm gần biên giới với Syria.

Nga quan ngại sâu sắc về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 15/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi các binh sĩ chiếm giữ những con phố ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, trong khi một nhóm binh sĩ thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tiến hành một cuộc đảo chính.

Người phát ngôn Dmitry Peskov nói: "Nga quan ngại sâu sắc về những tin tức liên quan tới tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm hiện nay, chất lượng thông tin chưa thể giúp xác định rõ ràng về điều gì đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là bảo đảm an toàn cho các cơ quan và công dân Nga trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngoài ra, ông Dmitry Peskov cũng cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã được các cơ quan tình báo và Bộ Ngoại giao Nga thông báo liên tục về những diễn biến mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức yêu cầu tôn trọng trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/7 tuyên bố trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được tôn trọng và cần phải triển khai tất cả các biện pháp để bảo đảm sự an toàn của người dân nước này.

Trong khi đó, Slovakia, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết đang theo dõi những sự kiện bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ với quan ngại nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh sẽ phối hợp với các đối tác trong khối EU để đưa ra phản ứng thích hợp.

Theo TTXVN