Tại cuộc họp báo ngày 9/4, Tướng Không quân John Hyten - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - bày tỏ: "Tôi nghĩ không phải là một ý kiến tốt nếu cho rằng [ổ dịch Theodore Roosevelt] là một vấn đề. Chúng ta có quá nhiều tàu trên biển, chúng ta có quá nhiều năng lực được triển khai. Có 5.000 thủy thủ trên một tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Nghĩ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa thì không phải là cách tốt để lên kế hoạch".

{keywords}
Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt. (Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters)

Hãng tin RT dẫn lời tướng Hyten cho biết thêm, một số lượng nhỏ ca nhiễm Covid-19 đã được phát hiện trên một tàu sân bay khác của Mỹ là Nimitz. Tuy nhiên, theo báo chí, có tới 4 tàu sân bay Mỹ đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh cho đến nay.

Ổ dịch Covid-19 trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã dẫn tới một bê bối lớn trong Hải quân Mỹ, sau khi lá thư của cựu đại úy Brett Crozier rò rỉ ra bên ngoài, trong đó ông kêu gọi cấp trên hãy sơ tán ngay lập tức thủy thủ đoàn "để ngăn chặn những hậu quả bi thảm".

Vị tư lệnh này đã bị sa thải vì "gây báo động" dù yêu cầu của ông sau đó được thực hiện sau khi tàu neo ở Guam. Vụ việc cũng khiến quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly, người công khai và kịch liệt chỉ trích Crozier, buộc phải từ chức.

Trong khi đó, con số dương tính với virus corona chủng mới trên tàu Theodore Roosevelt đã tăng hơn 100 người hôm 8/4, lên tổng cộng 416 ca. Hải quân Mỹ cho biết, một thủy thủ đã được chăm sóc tích cực sau khi tình hình sức khỏe chuyển biến xấu.

Phát biểu tại cùng cuộc họp báo với ông Hyten, Thứ trưởng Quốc phòng David Norquist khẳng định hàng không mẫu hạm này vẫn sẵn sàng chiến đấu bất chấp đại dịch, và đã được đưa vào cảng như một biện pháp "đề phòng". Ông tuyên bố quân đội Mỹ đang điều chỉnh để hoạt động trong "môi trường Covid" và cảnh báo "kẻ thù" không nên coi dịch bệnh là cơ hội tấn công các lực lượng Mỹ.

Thanh Hảo