Đây là lần đầu tiên một vị quân chủ của Nhật Bản thoái vị trong suốt hai thế kỷ qua. Buổi lễ thoái vị sẽ diễn ra bằng một nghi thức đơn giản ở Hoàng cung Nhật Bản, Tokyo. Sẽ có khoảng 300 khách mời tham gia sự kiện này và buổi lễ thoái vị sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Nhật hoàng Akihito sẽ kết thúc 30 năm trị vì và truyền ngôi lại cho Thái tử Naruhito. 

{keywords}
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Reuters

Theo quy định trong Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng là người đứng đầu quốc gia trên danh nghĩa, hoàn toàn không tham gia vào đời sống chính trị của đất nước mặt trời mọc này. Nhật hoàng được xem như là biểu tượng của đất nước và được người dân hết mực tôn kính. 

Trong một bài diễn văn được phát trên truyền hình năm 2016, Nhật hoàng Akihito, người đã được chữa trị ung thư tuyến tiền liệt và phẫu thuật tim, nói rằng ông lo sợ vấn đề tuổi cao sẽ khiến ông khó thực hiện chu toàn trách nhiệm của mình đối với người dân Nhật.

Lễ thoái vị diễn ra vào lúc 5 giờ chiều (giờ Nhật Bản) với sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe, Hoàng hậu Michiko, Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako cùng người đứng đầu lưỡng viện quốc hội và nhiều thẩm phán tòa án tối cao của nước Nhật. Thái tử Naruhito, năm nay 59 tuổi, sẽ đăng cơ làm Nhật hoàng trong một buổi lễ riêng vào ngày 1/5.

Ngày 30/4 sẽ là ngày cuối cùng của triều đại Bình Thành, bắt đầu vào ngày 8/1/1989 sau khi Nhật hoàng Akihito lên kế vị. Triều đại của ông đã chứng kiến sự trì trệ kinh tế, thảm họa thiên nhiên và sự thay đổi về công nghệ nhanh chóng của đất nước mặt trời mọc. Nhật hoàng Akihito vẫn sẽ là hoàng đế cho đến lúc nửa đêm (giờ Nhật Bản) khi triều đại Lệnh Hòa, có nghĩa là “sự hòa hợp tươi đẹp”, của Thái tử Naruhito bắt đầu.

Tuấn Trần