Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 22/8 đã yêu cầu chính phủ Syria cho phép các thanh sát viên LHQ điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học và cho phép họ tiếp cận khu vực được cho là xảy ra vụ tấn công này tại ngoại ô Damascus.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}

Những cảnh quay do các nhà hoạt động cung cấp cho thấy những đứa trẻ bất tỉnh, miệng sủi bọt và các bác sĩ đang cố gắng cứu giúp những người dân vô tội đã khiến cả thế giới phẫn nộ.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chính thức yêu cầu Syria ủy quyền cho các chuyên gia LHQ điều tra về cáo buộc các lực lượng chính phủ đã dùng khí độc giết chết hàng trăm người sớm ngày 21/8.

Damacus đã phủ nhận việc bắn rocket nhả chất độc chết người, đặc biệt vào thời điểm khi một nhóm LHQ đang ở Syria để giám sát ba địa điểm, nơi những cuộc tấn công tương tự đã diễn ra.

Đó sẽ là một "hành động tự sát chính trị" nếu thực hiện một cuộc tấn công như vậy, một nguồn tin an ninh cấp cao cho biết.

Liên minh Quốc gia đối lập cho biết hơn 1.300 người đã bị thiệt mạng bởi khí gas độc hại tại một thị trấn bị quân nổi dậy kiểm soát ở phía tây nam thủ đô.

Trước động thái trên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 22/8 đã yêu cầu chính phủ Syria cho phép các thanh sát viên LHQ điều tra vụ tấn công khí ga và cho phép họ tới khu vực được cho là xảy ra vụ tấn công này tại ngoại ô Damascus.

"Một yêu cầu đã được LHQ gửi tới chính phủ Syria. Ông hy vọng sẽ nhận được một phản hồi tích cực mà không bị trì hoãn," phát ngôn viên LHQ nói.

Đại diện cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Giải trừ quân bị, bà Angela Kane cũng được cử tới Damascus.

Cơ quan giám sát nhân quyền Syria, có một mạng lưới các nhà hoạt động và nhân viên y tế trên mặt đất, nói rằng các cuộc không kích và oanh tạc đã được phát động trên toàn Damascus.

Những đoạn video được các nhà hoạt động cáo buộc về các vụ tấn công hóa học đăng trên mạng đã khiến cả thế giới sửng sốt và giận dữ.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố cộng đồng quốc tế cần phải phản ứng bằng vũ lực nếu các cáo buộc trên là sự thật, trong khi Mỹ nói rằng vẫn chưa "xác định chắc chắn" loại vũ khí nào đã được sử dụng.

Trước đó, chính phủ Mỹ đã yêu cầu LHQ mở cuộc điều tra về những cáo buộc mà phe đối lập Syria đưa ra.

Tuy nhiên, Nga lại nghi ngờ vụ tấn công này đã được báo chí dàn dựng để hướng dư luận chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nếu được xác định, đây sẽ trở thành vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học lớn nhất kể từ khi các lực lượng Iraq của Saddam Hussein tấn công vào thị trấn Halabja của người Kurd năm 1988.

Sầm Hoa (Tổng hợp)