Những ngày này giữa bão dịch Covid-19, thủ đô nước Anh như một chiếc đĩa cấy vi khuẩn trong một phòng thí nghiệm khổng lồ.

London, một thành phố nhẽ ra giờ đây phải vắng vẻ, thì những vỉa hè và siêu thị lại chật ních người, khi các trạm tàu điện ngầm đã đóng cửa. Những tin đồn về một lệnh phong toả kéo dài 15 ngày đồng nghĩa với việc gần như tất cả mọi người đều đang cố gắng tích trữ một thứ gì đó, ngay cả khi chính phủ cố gắng giải thích rằng “phong toả” là một từ không đúng.

Những thay đổi trong khuyến cáo của chính quyền và sự thiết hụt trong công tác xét nghiệm quy mô lớn khiến người dân nơi đây dường như có một ý niệm chung: hoặc là đã quá muộn để ngăn chặn thứ đang diễn ra; hoặc là đang có một thứ gì đó đang rình rập, một con quái vật khổng lồ, không thể trốn thoát. Thành phố đông đúc với 9 triệu dân này đơn giản là không thể đưa ra được quyết định phải làm gì. Trong khi một số kệ siêu thị trống trơn, thì một số quán bar lại đông nghịt người.

{keywords}
 Các kệ thực phẩm khô trống trơn trong các siêu thị ở London

“Có vẻ như London đã đi trước vài tuần” so với phần còn lại của cả nước khi virus lây lan, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói một cách ngẫu nhiêm hôm 16/3. Và với việc nước Anh đang đi sau Italia vài tuần, câu nói này dễ khiến người ta hiểu rằng sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng khi chính phủ Anh quyết định không thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, điều này đồng nghĩa với việc ông Johnson không có các số liệu cụ thể, chỉ có một mô hình chung về hình dung về đại dịch.

Hôm 19/3, chồng của một người bạn tôi đi mua đồ kể lại rằng đã có những to tiếng về chỗ giấy vệ sinh còn lại tại một siêu thị ở East End. Hai người đánh nhau tranh giành một món đồ nào đó ở Lewisham, phía Nam sông Thames, đã khiến nhân viên an ninh phải lao vào, làm nhiều người bị hất ngã. Tất cả chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Người London sẽ đùa cợt về những chuyện như vậy, cho đến khi chính họ vướng vào việc tương tự.

Những người tài xế taxi da màu ở khắp nơi thì phàn nàn về việc ế khách. “Tôi nghĩ chính phủ đã tính toán đúng về mặt khoa học”, một người nói với tôi, sau khi thẳng thừng từ chối yêu cầu không nói chuyện khi chở khách.

Nhưng đó chính là câu hỏi mà tất cả chúng tôi đều đang đặt ra. Ý tưởng về “miễn dịch cộng đồng” – việc cứ để cho virus lây lan đến khi đã có đủ lượng người bị nhiễm để cả dân số phát triển miễn dịch và virus không thể lây lan thêm được nữa – có vẻ như là một ý tưởng khá thông minh. Thông minh theo một cách rất Anh hậu thuộc địa, theo cái lối suy nghĩ rất Brexit rằng chúng tôi thông minh hơn tất cả các quốc gia khác, dựa trên cái dự cảm ‘chắc chắn’ của một số ít người thực sự thông minh, và độ tự tin thượng thừa.

{keywords}
 Một dòng tít cảnh báo về các biện pháp thắt chặt tại thủ đô

Liệu có phải sự đổi hướng của chính phủ hôm 18/3, đến việc đóng cửa trường học từ 20/3, đến khả năng phong toả toàn thành phố vào cuối tuần này, là hoàn toàn dựa trên một mô hình dịch mới, phỏng theo các dữ liệu mới nhất về mức độ nghiêm trọng khủng khiếp của virus từ Italia? Hay đó chỉ là câu trả lời trước điệp khúc những chỉ trích cho rằng nước Anh đang ‘một mình một kiểu’, khi vẫn mở cửa đất nước như thông thường?

Chỉ mới một tuần trước, siêu thị gần nhà tôi lúc 10h sáng đã chật ních người. Người ta bước xuyên qua khu vực thực phẩm tươi mà không dừng lại, thay vào đó mua hết mỳ khô, xà phòng, nước tẩy và giấy vệ sinh, như thể đang chuẩn bị cho một tương lai tận thế. Vậy mà trong cái tận thế đó, tôm cá tươi vẫn đang được vận chuyển đều đặn hàng ngày.

Thợ làm đầu của tôi nói anh ấy vẫn sẽ mở cửa “cho đến khi nào người ta bắt tôi đóng”. Ông chủ tiệm thịt cảm thán về bầu trời “mới đẹp đẽ và yên tĩnh làm sao” khi không có máy bay, trong lúc đang tống hai mươi cái ức gà của tôi vào túi, trước khi nghe điện thoại của một người bán buôn, thông báo rằng giá cả lại vừa tăng. Hôm 19/3, ngay gần đường Holloway, nguyên khung trước và biển số của một chiếc xe hơi đã bị bỏ lại ở một bên đường. Đây dường như là một biểu tượng cho cảm giác của người chủ phương tiện, rằng chúng tôi đang sắp rơi vào một cuộc hỗn loạn khủng khiếp.

{keywords}
 Khung trước của một chiếc xe cứ thế bị bỏ lại trên đường, dường như là một biểu tượng của thời cuộc

NHS, hệ thống dịch vụ y tế miễn phí của Anh – vốn luôn là người anh hùng thiếu kinh phí và được yêu mến của một đất nước không biết nhận ra rằng y tế cơ bản đắt đỏ đến thế nào ở nhiều nơi khác - gần đây đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Những thay đổi trong khuyến nghị từ trung ương cũng không giúp ích gì. Một người bạn của tôi kể rằng hôm 18/3, cô ấy đã có hẹn đi chạy bộ ở công viên Hampstead Heath – tới hôm đó vẫn còn rất đông đúc – với một người bạn là quản lý trong NHS. Nhưng cuối cùng họ chẳng thể đi nổi, vì người quản lý phải liên tục nghe các cuộc điện thoại khẩn cấp.

Trải nghiệm thoáng qua của tôi với NHS cũng bộc lộ những vấn đề của hệ thống này. Tôi đã bị ho kể từ khi trở về từ Munich, Đức để dự một hội thảo an ninh từ giữa tháng 2. Hay là kể từ khi tôi trèo lên gác xép của bố mẹ tôi để giúp dọn dẹp? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng sau một đêm nhậu nhẹt cách đó hai tuần, tôi tỉnh dậy với một cơn sốt nhẹ (37,5 độ). Tôi đã gọi 111, đường dây trợ giúp của NHS – và được cho biết chắc là tôi không nhiễm virus corona đâu, nhưng tôi cần phải đến gặp một bác sĩ trong vòng 2 giờ tới.

{keywords}
 Những đám đông vẫn tụ tập ở London. Đây là một quán bar tại Covent Garden, một địa điểm nổi tiếng với du khách

Vị bác sĩ, chính bà ấy cũng đang bị cảm nặng, đã kiểm tra các chỉ số sinh hoá của tôi và đưa ra chẩn đoán: tôi bị cảm nhẹ, kèm theo bệnh quan trọng hoá vấn đề và tự thương hại khá nặng. Bà ấy cũng nói tôi không thực sự bị sốt (dưới 38 độ) và chắc chắn không đủ tiêu chuẩn làm xét nghiệm. Rồi bà ấy đuổi tôi về. Nhưng sau đó một tuần, khuyến cáo lại đã thay đổi, và nếu giờ đây tôi có bị sốt và ho, thì cả tôi và người yêu tôi sẽ không được ra khỏi nhà trong hai tuần.

Đây là vị trí mà rất nhiều người bạn của tôi đang gặp phải. Chúng tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện về triệu chứng tức ngực hay nhưng cơn cảm lạnh bất thường mãi không dứt – suốt trong vòng 6 tuần qua. Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có bị “cái đó”, hay chỉ là cảm cúm. Chính phủ Anh cho biết: “đến 9h sáng ngày 18/3/2020, có 56.221 người đã được xét nghiệm ở Anh, trong đó có 53.595 ca âm tính và 2.626 ca dương tính”. Điều này có nghĩa là ngay cả với những người có đủ triệu chứng để được xét nghiệm, khả năng bị nhiễm virus corona vẫn là khá thấp. Việc chúng tôi không được xét nghiệm đúng ra là rất đáng sợ, nhưng chẳng hiểu sao, chúng tôi lại tự suy ra từ những số liệu như vậy để an ủi mình.

{keywords}
Một nhân viên đóng cửa trạm tàu điện ngầm Barbican, khi giao thông công cộng ở London bị hạn chế

Giờ đây, chúng tôi đang chứng kiến công tác chuẩn bị cho thảm hoạ diễn ra ồ ạt. Dự luật sẽ cho phép cảnh sát bắt giữ những người vi phạm quy định cách ly. Lương của những lao động tình nguyện sẽ được bảo vệ và giữ nguyên nếu họ giúp đỡ trong hệ thống NHS. Quân đội sẽ được điều động, chắc chắn là để chuyển nhu yếu phẩm đến các bệnh viện, nhưng có lẽ còn để làm nhiều hơn thế nữa. Hàng trăm tỉ đô-la đang được chi ra để giữ cho nền kinh tế phần nào ổn định, trong thời gian nhanh chóng đến bất thường, khi mà tương lai mà một thứ mà không thuật toán nào có thể nắm bắt được.

Khi cuối tuần và những bất an đi kèm đang đến gần, chúng tôi chỉ còn biết bòn rút tối đa những gì có thể từ những ngôi nhà nơi từng là chỗ dừng chân và nghỉ ngơi, giờ đây trở thành nơi tích trữ đồ đạc, làm việc, chứa chấp những thành viên gia đình lầm lỗi, và nhận giao hàng với một sự biết ơn lạ lẫm, chưa từng có trước đây.

Nhưng đồng thời, ở một thành phố nơi cách đây một tháng, nhìn vào mắt nhau còn được xem như một hình thức quấy rối, thì giờ đây những người xa lạ bỗng để ý đến nhau một cách đầy thân mật. Đôi khi là để họ có thể giữ khoảng cách an toàn, đôi khi là để chắc chắn rằng những người già cả có thể đến được nơi họ cần trên vỉa hè đông đúc. Và đôi khi, đơn giản chỉ để mỉm cười, vui lòng cho người còn lại đang xếp hàng đi trước.

Anh Thư