{keywords}

Trong những trại tạm giam ở Syria, Iraq và Lybia lúc này có hàng vạn đứa trẻ. Rất nhiều trong số chúng chỉ vừa đến tuổi đi học khi được cha mẹ đưa đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Nhiều ngàn em khác được sinh ra tại đây.

“Di sản” phức tạp

Con cái những kẻ khủng bố IS là “di sản” bằng người yếu đuối nhất do tổ chức này để lại – những gì còn lại của hơn 40.000 chiến binh ngoại quốc và gia đình. Hiện tại, những đứa trẻ này đang bị giữ trong các trại giam và nhà tù trải khắp miền Đông Syria, Iraq và Libya.

“Những đứa trẻ này đã làm gì?”, anh Fabrizio Carboni, một nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ nói, sau khi chứng kiến những cảnh tượng khốn khổ đang diễn ra trước mắt mình, trong một chuyến viếng thăm gần đây tới trại tạm giam Al Hol ở Syria. “Chẳng gì hết”, anh nói.

Vậy nhưng, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng không biết phải làm gì với những công dân nhỏ tuổi của mình đang bị bỏ lại trong những nhà tù và trại giam như thế này.

{keywords}

Theo các nhà nghiên cứu, IS sử dụng trẻ em làm do thám, điệp viên, đầu bếp, người gài bom, và đôi khi là vào cả việc kẻ đánh bom liều chết. Nhiều đứa trẻ đã ngấm tư tưởng của IS trong nhiều năm. Những nam thiếu niên lớn hơn còn được huấn luyện vũ trang chuyên nghiệp.

“Chúng là những nạn nhân do hoàn cảnh, bị ép tới đây trái mong muốn”, Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cực đoan hóa ở đại học King’s College London cho biết. “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không mang theo rủi ro, ít nhất là trong vài trường hợp”.

Nếu việc tìm ra giải pháp phải làm gì với những đứa trẻ đã phức tạp đến vậy, thì đối với những người đàn ông và phụ nữ của IS, việc này còn khó hơn. Có ít nhất 13.000 thành viên IS là người nước ngoài đang bị bắt giữ ở Syria, trong đó có 12.000 phụ nữ và trẻ em. Con số này chưa bao gồm 31.000 phụ nữ và trẻ em người Iraq bị giam giữ ở đây. 1400 người khác bị giữ tại Iraq.

Tuy nhiên, chỉ có vẻn vẹn vài quốc gia – trong đó có Nga, Kosovo, Kazakhstan, Indonesia và Pháp – đã can thiệp để đưa một số công dân của họ về nước.

Cuộc tranh luận đang trở nên gắt gao hơn bao giờ hết.

{keywords}
Không ai muốn chứa chấp

Trong những trại giam quá tải ở miền Đông Syria, vợ và con cái những kẻ khủng bố IS, những người chạy trốn khỏi những lãnh thổ cuối cùng do IS chiếm giữ, đang chết dần vì bệnh tật, suy dinh dưỡng và thời tiết khắc nghiệt. Những đứa trẻ kiệt sức đến nỗi không còn nói nổi. Các phụ nữ đã từ bỏ tổ chức thì sống trong nỗi sợ hãi bị tấn công bởi những kẻ vẫn trung thành.

Lực lượng dân quân địa phương hiện đang vận hành các trại giam này cho biết họ không thể giữ công dân nước ngoài ở đây mãi mãi.

Hình ảnh ở trại Al Hol ở phía Bắc Syria, nơi giam giữ 72.000 người đến từ nhiều quốc gia

Phía bên kia biên giới ở Iraq, các cơ quan chính phủ đang thực thi công lý kiểu “chớp nhoáng” đối với những người bị buộc tội là thành viên của IS, kết án tử hình đối với hàng trăm người trong những phiên tòa thường kéo dài chưa tới năm phút.

Nhưng hầu hết các chính phủ nước ngoài lại tỏ ra ngại ngần trong việc nhận lại các công dân này, biến họ thành những kẻ khổ nạn xuyên quốc gia mà chẳng ai muốn chứa chấp – quê hương của họ cũng không, mà những người đang cầm tù họ cũng không.

{keywords}

“Có chính trị gia nào muốn quyết định sẽ cho phép anh A về nước, khi mà anh A, khoảng 2 năm nữa, sẽ chơi một quả bom cơ chứ?”, ông Lorenzo Vidino, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về các hình thái cực đoan ở trường Đại học George Washington chất vấn.

Sự thật là rất ít các phần tử cực đoan sẽ tổ chức các cuộc tấn công sau khi trở về nước nhà. Tuy nhiên, một vài ngoại lệ hiếm hoi – trong đó có chuỗi các vụ tấn công giết chết 130 người ở Paris (Pháp) năm 2015, hay 2 trong số những cuộc khủng bố đẫm máu nhất ở Tunisia – cũng đủ để khiến việc cho phép các phần tử này hồi hương trở thành một hành vi “tự sát chính trị” ở nhiều quốc gia. Mới đây, ít nhất một trong những kẻ đánh bom trong vụ thảm sát ngày Phục sinh ở Sri Lanka là công dân Sri Lanka đã từng huấn luyện cùng quân đội IS ở Syria.

Vài nước như Anh và Australia, đã tước bỏ quyền công dân của những người bị nghi ngờ là đã tham gia IS ở nước ngoài. Việc này đồng nghĩa với việc nghiễm nhiên bỏ rơi các cá nhân này và con cái họ, trong những trại giam vô thời hạn, không có một bản án chính thức và không có quyền công dân ở bất kì quốc gia nào. Riêng Anh đã hủy hộ chiếu của hơn 150 người, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid cho biết.

Đúng là việc đưa những người này về nhà sẽ đặt ra một mối nguy hiểm tiềm tàng, nhưng việc để lại họ trong những trại giam, tuyệt vọng và bơ vơ, cũng không phải điều sáng suốt.

Trong lịch sử, những phần tử đã có trải nghiệm chiến đấu với một nhóm cực đoan, thường sẽ tìm kiếm những nhóm mới để tham gia, ông Seamus Hughes, Phó giám đốc của chương trình ở Đại học George Washington nói trên cho biết. “Chúng ta đang lờ đi một vấn đề lớn, vì như vậy trước mắt sẽ dễ dàng hơn?”, ông Hughes nói. “Nếu vậy, nó sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn rất nhiều trong tương lai”.

{keywords}
Khó xác định được vô hại hay không

Tuy nhiên, việc đưa những phần tử này về nhà cũng yêu cầu chính phủ các quốc gia phải trả lời một loạt câu hỏi gần như là bất khả thi, như làm thế nào để phân biệt những người đã phạm tội với những người vô tội, hay xác định ai là mối đe dọa và ai vô hại. Bài toán này dường như là hóc búa nhất đối với hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em có liên quan đến IS.

Đã từng có một quan điểm phổ biến cho rằng phụ nữ ở IS chỉ là những con mồi thụ động, những “cô dâu thánh chiến” bị cám dỗ tham gia tổ chức và kết hôn với những chiến binh. Tuy nhiên, quan điểm này đã sụp đổ hoàn toàn sau khi có những bằng chứng cho thấy phụ nữ chính là những người phụ trách các vấn đề liên quan đến tư tưởng của tổ chức, và trong vài trường hợp, đã từng cầm vũ khí chiến đấu.

“Hình ảnh được truyền thông và các chính trị gia dựng lên là họ bị tẩy não, họ bị lừa, họ bị tình yêu làm mờ mắt, và họ không biết mình đang làm gì”, cô Meredith Loken, Phó giáo sư từng nghiên cứu về phụ nữ tham gia các nhóm bạo lực cực đoan ở Đại học Massachusetts cho biết. “Nhưng sự thật là kể cả khi họ không cầm súng, rất nhiều trong số họ đóng góp một cách tích cực cho tổ chức”, cô Loken nói.

Những phụ nữ như Shamima Begum, một thiếu niên người Anh, hay Hoda Muthana, một cô gái trẻ sinh ra ở Mỹ, gần đây đã xuất hiện trong các tranh cãi trên mặt báo, vì rất khó để xác định được vai trò của họ ở IS và mối đe dọa mà họ mang lại.

Begum không hề tỏ ra hối lỗi khi một nhà báo tìm thấy cô ta ở một trại giam ở Syria vào hồi tháng 2 vừa qua, đề nghị cô ta trở lại Anh để tốt cho đứa con sắp chào đời. Lúc đó, Begum khăng khăng rằng vụ nổ bom giết chết 22 người ở sân vận động Manchester Arena, là chính đáng. Còn Muthana thì sau đó phát biểu rằng cô rất hối hận việc tham gia IS, khẳng định rằng cô bị “tẩy não”.

{keywords}
Trách nhiệm với công dân?

Các chuyên gia tranh luận rằng, việc đưa các thành viên IS về nhà để truy tố và theo dõi là quyết định thông minh hơn, an toàn hơn, và nhân đạo hơn việc để họ kẹt lại giữa sa mạc, hay “thuê ngoài” hệ thống công lý ở Iraq để kết án họ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nước trợ giúp công dân của họ hồi hương, song cũng có nhiều quan chức Mỹ gợi ý rằng những tù nhân không thể cho về nước có thể được chuyển đến một nhà tù quân sự ở vịnh Guantánamo.

“Họ là công dân của các bạn, nên dù sao đi nữa, các bạn cũng phải có trách nhiệm với mớ hỗn độn mà họ đang tạo ra”, cô Tanya Mehra, nghiên cứu sinh ở Trung tâm Nghiên cứu Chống khủng bố ở The Hague, Hà Lan phát biểu.

Vài quốc gia cho rằng, Iraq nên có quyền truy tố các thành viên IS là công dân nước ngoài, vì những tội ác mà họ đã gây ra với người dân Iraq, trên lãnh thổ Iraq. Các lực lượng được Mỹ ủng hộ ở Syria đã giao nộp lại ít nhất 150 tù nhân người Iraq và nước ngoài để xử tội ở Iraq.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn của hệ thống tư pháp ở Iraq là quá khác biệt so với các nước phương Tây. Rất nhiều bị can đã bị kết án dựa vào những lời thú tội được thu thập qua tra tấn. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều thiếu niên cho biết họ đã bị đánh đập cho tới khi chịu thú tội.

Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq cho biết, đến cuối năm 2018, đã có ít nhất 185 trẻ em nước ngoài bị kết án với những tội danh khủng bố và phải nhận mức án tù giam. Iraq cũng đang thương lượng với lực lượng dân quân người Kurd, những người đang vận hành các trại giam ở Syria, để trao trả 31.000 phụ nữ và trẻ em người Iraq. Tuy nhiên, chính phủ Iraq cũng chưa quyết định được sẽ làm gì với những người này.

Theo các chuyên gia, quyết định bỏ rơi những người theo IS ở những trại tạm giam, hay cho hệ thống công lý của Iraq, chỉ có thể trì hoãn những việc sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

“Nếu bạn để họ lại đó, bạn sẽ mất dấu họ. Và sớm muộn gì họ cũng sẽ tìm cách về nước, và lúc đó bạn sẽ không hề hay biết những gì đã và có thể xảy ra với họ”, cô Mehra cho biết. “Ít nhất, nếu bạn đưa họ về nước, họ sẽ là những rủi ro nằm trong tầm kiểm soát.”

{keywords}
Thiếu hụt cơ chế và nguồn lực

Nhiều nước đã kiến nghị thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các bị can IS. Ý tưởng này được một vài quốc gia ủng hộ - những quốc gia đang trốn trách việc phải tự mình xử lý những cá nhân này. Tuy nhiên, những tòa án quốc tế trước đây – thường chỉ được lập ra để xử các tội phạm quốc tế sừng sỏ - đều khá khó vận hành, tốn kém và không mang lại hiệu quả cao. Các chuyên gia cho rằng ý tưởng này là không mấy thực tiễn.

Vậy nhưng việc xử án ở đất mẹ cũng tỏ ra khá phức tạp. Rất nhiều nước không hề có sự chuẩn bị cần thiết để đưa các bị can này về nhà. Một vài nước mới có luật về khủng bố chỉ vài năm trước, và những luật này thường chỉ đưa ra những bản án kéo dài vài năm. Muốn xử án công bằng và thành công, các nước này sẽ phải có những nguồn lực khó huy động, và những bằng chứng đã tan biến trên chiến trường từ rất lâu.

Các nước cũng gặp khó khăn trong việc cầm tù các cựu chiến binh IS, làm sao để ngăn chặn họ không cực đoan hóa các tù nhân khác, và rồi tái hòa nhập họ vào xã hội khi mãn hạn tù.

Chưa có quốc gia nào trên thế giới phát triển thành công một mô hình quy mô lớn đã qua thử nghiệm cho việc giam giữ các cựu chiến binh khủng bố này, chưa nói đến việc gỡ bỏ các tư tưởng cực đoan ở họ. Theo ông Neumann, chuyên gia về cực đoan hóa, đây vẫn là một mục tiêu thường bị lảng tránh. Những cách tiếp cận công phu và chi tiết thường tiêu tốn lao động vì phải biến đổi để đáp ứng từng trường hợp riêng biệt.

{keywords}
 
Quyền lợi cơ bản của trẻ em

Vài chính phủ có vẻ sẵn lòng đưa trẻ em về nước hơn là cha mẹ chúng. Tuy nhiên, vẫn rất ít các nước đã đủ sẵn sàng để cử người đến Syria và Iraq đưa các em về nhà. Một vài nước yêu cầu trẻ em được sinh ra ở IS phải được kiểm tra ADN để chứng minh cội nguồn và quyền công dân, trước khi được cho hồi hương.

Kosovo, Nga và Kazakhstan là một vài trong số rất ít các nước đã đón trẻ em về nước trên một quy mô lớn. Trong lần tái tiếp nhận công dân lớn nhất ở châu Âu cho đến thời điểm này, Kosovo đã đưa 110 công dân bay về từ Syria trong tháng trước, trong đó có 74 trẻ em và 32 phụ nữ.

Để giúp họ tái hòa nhập với xã hội, nhiều nước đã ủng hộ việc tách trẻ em ra khỏi phụ huynh có tư tưởng cực đoan và gửi chúng cho họ hàng hoặc các gia đình nhận nuôi. Tuy phương pháp này là nhanh nhất để giải cứu những đứa trẻ vô tội, nó cũng đồng nghĩa với việc phải giật chúng ra khỏi vòng tay của những người mẹ - rất nhiều người trong số họ phản kháng việc phải chia tay con mình.

Tunisia, một trong những quốc gia có nhiều công dân tham gia IS nhất, đã liên tục từ chối đưa công dân của mình về nước, để lại ít nhất 200 trẻ em và 100 phụ nữ nước này mắc kẹt ở Syria và Lybia, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Các nhà hoạt động xã hội và các gia đình đã phải kêu gọi trong nhiều tháng trời, chính phủ Tunisia mới chịu đưa về 3 trẻ em, trong đó có một em bé 4 tuổi mồ côi do cha mẹ chết trong các vụ đánh bom, và 2 em nữa có mẹ vẫn bị giữ ở một trại giam.

“Cứ một ngày các em ở trong trại là thêm một ngày chúng không được đến trường, và không được hưởng các quyền con người cơ bản của mình”, cô Khawla Ben Aicha, một thành viên Quốc hội Tunisia, người đang thúc đẩy chính phủ đưa số trẻ em còn lại về nhà, cho biết. “Các em không thể chọn được sinh ra ở đâu, hay việc có cha mẹ là những kẻ khủng bố.”

{keywords}

Bài & Đồ họa: Anh Thư