Nhà viết sử nội bộ của CIA đã cố gắng làm sáng tỏ nghi ngờ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau vụ ám sát Tổng thống Kenedy cách đây hơn 50 năm.

Hôm 22/11/1963, Tổng thống Mỹ thứ 35 John Frank Kennedy (JFK) bị ám sát tại Dallas. Cái chết của ông đã làm dấy lên vô số thuyết âm mưu. Dư luận khi đó đã đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó bao gồm cả việc tay súng bắn tỉa Lee Harvey Oswald hành động một mình hay là có bàn tay của chính CIA.

Bản báo cáo mật của David Robarge, nhà viết sử của CIA, được lưu hành nội bộ cuối năm 2013 đã cho thấy nhiều điều, trong đó có việc CIA rõ ràng biết nhiều hơn những gì họ nói. Và cuộc điều tra về vụ ám sát đã bị vẽ chệch hướng một cách cố ý, dù không rõ động cơ.

Vai trò của “người đồng lõa”

Tháng 11/1961, John McCone được Tổng thống Kenedy bổ nhiệm làm Giám đốc CIA, thay cho Allen Dulles. Dulles mất chức sau chiến dịch vụng về nhằm lật đổ lãnh tụ Cuba Fidel Castro trong sự kiện Vịnh Con Lợn. Là kỹ sư công nghiệp, John McCone vào CIA như một người ngoại đạo. Nhưng Kenedy hy vọng kỹ năng quản lý của McCone giúp CIA tránh khỏi đổ vỡ.

Sau khi Kennedy bị ám sát, Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson vẫn giữ lại chiếc ghế của McCone. Khi đó, McCone trở thành nhân chứng quan trọng trước ‘Ủy ban phụ trách điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy’, còn được gọi là Ủy ban Warren, do Tổng Chưởng lý Earl Warren chỉ đạo. Ủy ban này do chính Tổng thống Lyndon Johnson lập ra để điều tra về vụ án mạng.

{keywords}

Tổng thống Kennedy trước lúc bị ám sát.

McCone hứa hợp tác toàn diện với ủy ban này. Ông ta chứng thực CIA không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tay súng Lee Harvey Oswald có dính líu đến bất kỳ âm mưu nào ở trong hay ngoài nước. Cũng bởi mô tả này và thông tin lãnh đạo CIA cố tình che dấu, Ủy ban Warren đã đồng tình với McCone rằng, Oswald chỉ là một "con sói cô độc hoang tưởng".

Những thông tin bị ém và cách giải thích của McCone khiến nhiều người Mỹ hoài nghi, và thậm chí còn ngờ rằng chính CIA cũng có dính líu tới vụ ám sát Tổng thống.

Một trong những thuyết âm mưu được đề cập khi đó có liên đới tới cựu Giám đốc CIA Dulles. Một giả thuyết cho rằng chính Dulles đứng đằng sau sự việc. Bởi vài tháng trước khi Kennedy bị bắn, mạng lưới tổ chức tài chính, tình báo, quân sự của Dulles đều "đồng lòng" rằng: "Kennedy chính là mối đe dọa an ninh quốc gia. Ông ta buộc phải bị loại trừ vì đất nước này. Và Dulles là người duy nhất có tầm cỡ, các kết nối và ý chí kiên định để biến điều đó thành hiện thực".

Vậy lời khai của McCone đã gây ảnh hưởng thế nào tới việc điều tra. Phải chăng người từng là kẻ ngoại đạo đã che dấu các bí mật tình báo vốn có thể khiến lịch sử vụ ám sát được viết lại?

Những lời dối trá

Nhờ các tư liệu giải mật mà người ta biết McCone cùng nhiều quan chức cấp cao của CIA đã "đồng lõa" trong việc giữ kín thông tin "gây kích động" và không cung cấp cho Ủy ban Warren.

Theo báo cáo của Robarge, McCone chính là tâm điểm của việc "che dấu các thông tin vô hại" tại CIA, nhằm khiến cho Ủy ban Warren tin vào "sự thật khả dĩ nhất" rằng tay súng Oswald hành động một mình khi ám sát Kennedy, với động cơ không rõ ràng.

{keywords}

Tay súng bắn tỉa Lee Harvey Oswald, kẻ đã ám sát Kennedy.

Thông tin mà McCone ỉm đi gồm các âm mưu của CIA nhằm ám sát nhà lãnh tụ Cuba suốt nhiều năm liền (nhiều vụ có sự móc ngoặc với mafia). McCone cũng giấu thông tin mà CIA nắm được về Oswald, trong đó có việc CIA bằng cách nào đó đã có liên hệ với Oswald trước 1963 và cơ quan này đã bí mật theo dõi thư tín của tay súng, sau khi y định trốn ra nước ngoài năm 1959.

Vài tuần trước vụ ám sát, Oswald tới Mexico và gặp các điệp viên nước ngoài. CIA và FBI biết rõ nhưng không điều tra kỹ. Năm 1963, khi còn sống ở New Orleans, Oswald ở chung văn phòng với một nhóm chống nhà lãnh tụ Cuba. Nhóm này được CIA bảo trợ.

Giáo sư Larry Sabato thuộc trường Đại học Virginia đã nhận định rằng: “Một điều tôi vẫn thường băn khoăn, là về khoảng thời gian mà Oswald sinh sống ở New Orleans, bởi lẽ y dường như có kết giao với Guy Banister, người rõ ràng có quan hệ với FBI và CIA...”.

“Một điều cũng có thể nghĩ tới, là dù (CIA hay FBI) có liên quan tới vụ ám sát Kennedy hay không, thì Oswald thực tế là có các mối liên hệ bí mật với CIA hay FBI” – Sabato nói.

Trong chừng mực của một báo cáo lưu hành nội bộ CIA, tài liệu của sử gia Robarge phần nào làm sáng tỏ những gì mà CIA đã giữ bí mật, nhưng vẫn để ngỏ quá nhiều câu hỏi không lời đáp về vụ ám sát vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ. Hàng loạt cái tên và những đề cập trong báo cáo đã bị chỉnh sửa. Điều đó có nghĩa là nhiều thông tin sẽ chẳng bao giờ được công bố.

Những tình tiết mới liên quan tới sự kiện rúng động thế giới này sẽ chỉ được giải mật, khi hàng ngàn tài liệu của CIA được công bố vào tháng 10/2017.

Lê Thu