Các trừng phạt hạt nhân đối với Iran đã được gỡ bỏ, sau khi Tehran trao trả các tù binh lại cho Mỹ.

Sau nhiều năm bị cô lập kinh tế, các cường quốc thế giới đã quyết định gõ bỏ trừng phạt đối với Iran, đổi lại, Tehran phải thực hiện thỏa thuận ngừng tham vọng hạt nhân.

Theo Reuters, trong một động thái được lên kế hoạch trùng với thỏa thuận hạt nhân, Tehran tuyên bố thả 5 người Mỹ mà họ giam giữ, trong đó có phóng viên Jason Rezaian của tờ Washington Post, trong kế hoạch trao đổi tù nhân với Mỹ.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif về ngày được kỳ vọng là ‘Ngày hoàn tất thực thi’ mà IAEA xác nhận Iran đáp ứng mọi điều kiện theo thỏa thuận hạt nhân, tại Vienna hôm 16/1/2016. Ảnh: Reuters.

Việc trao trả tù binh cùng với việc gỡ bỏ cấm vận đã làm giảm mức độ thù địch rất lớn giữa Tehran và Washington – vốn định hướng cho cả khu vực Trung Đông kể sau cuộc Cách mạng năm 1979 tại Iran.

Theo kế hoạch gỡ bỏ cấm vận, khối tài sản trị giá 10 tỷ USD của Iran sẽ thoát khỏi tình trạng đóng băng, và các công ty toàn cầu sẽ có khả năng khai thác thị trường tại Iran.

Hôm 16/1, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quóc (IAEA) kết luận rằng Iran đã kiềm chế chương trình hạt nhân của mình bằng thỏa thuận vào năm ngoái với sáu nước lớn để rút ngắn chương trình hạt nhân, dẫn tới việc kết thúc trừng phạt.

“Iran đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết theo thỏa thuận (tháng Bảy) để đi đến Ngày hoàn tất thực thi (thỏa thuận)” – IAEA tuyên bố.

Chỉ vài phút sau tuyên bố của IAEA, Mỹ chính thức gỡ bỏ trừng phạt về tài chính, sắt thép, vận tải thủy và các trừng phạt khác đối với Iran – quốc gia sản xuất dầu lửa chủ lực bị hạn chế cửa thị trường quốc tế suốt 5 năm qua.

Liên minh châu Âu cũng bắt đầu gỡ cấm vận và bộ trưởng giao thông Iran cho biết, Tehran có kế hoạch mua 114 máy bay dân sự từ nhà sản xuất Airbus của châu Âu.

Việc chấm dứt trừng phạt này có nghĩa là quốc gia Hồi giáo Iran với đa phần người Hồi giáo Shiite sẽ có thêm tài chính và danh tiếng, trong bối cảnh Tehran đang dấn sâu vào các cuộc xung đột sắc tộc ở Trung Đông, chủ yếu là nội chiến ở Syria (với việc các đồng minh của họ đang đối mặt với quân nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni).

Lê Thu