Quyết định này, được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 31/10, chứng tỏ quyết tâm của Washington tăng cường sức ép lên Iran bằng cách mở rộng các lĩnh vực bị phong tỏa. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn chừa chỗ cho ngoại giao khi cho phép công việc tiếp tục tại các cơ sở hạt nhân khó có thể giúp Iran chế tạo bom hạt nhân.

{keywords}
 

Năm ngoái, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận mà Iraq ký với các cường quốc năm 2015, theo đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy được dỡ bỏ cấm vận đang kìm kẹp kinh tế. Mỹ sau đó khôi phục và thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, mục đích là buộc Iran thương lượng một thỏa thuận rộng hơn, trong đó phải giới hạn cả chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động ở khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định lĩnh vực xây dựng của Iran hiện đang nằm trong sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vốn bị Washington liệt vào hàng khủng bố. Do vậy, việc mua bán các vật liệu thô hoặc bán thành phẩm, than chì, than đá và phần mềm để tích hợp các mục đích công nghiệp sẽ bị xử phạt nếu những vật liệu này được dùng trong lĩnh vực xây dựng của Iran.

Theo một quyết định nữa, Ngoại trưởng Pompeo xác định bốn "vật liệu chiến lược" đang được sử dụng liên quan các chương trình hạt nhân, quân sự hoặc tên lửa đạn đạo của Iran, nên phải cấm buôn bán trao đổi chúng.

Trong một thông cáo riêng rẽ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng những quyết tâm kể trên đã giúp Mỹ có năng lực "ngăn Iran có được các vật liệu chiến lược cho IRGC, lĩnh vực xây dựng, và chương trình phổ biến hạt nhân".

Theo hãng tin Reuters hôm 29/10, Mỹ đã lên kế hoạch cho phép các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục làm việc tại các cơ sở hạt nhân khó có thể giúp Iran chế được vũ khí nguyên tử. Chính quyền Tổng thống Trump sẽ để cho công việc được tiếp tục bằng cách ban hành các lệnh miễn trừ cấm vận.

Những hoạt động được tiếp tục bao gồm thiết kế lại lò phản ứng nghiên cứu nước nặng Arak để khiến nó không thể sản xuất plutonium cấp độ bom và sửa đổi các máy li tâm tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow. Miễn trừ cũng được áp dụng cho hỗ trợ lò phản ứng hạt nhân hiện có của Iran ở Bushehr, cung cấp uranium đã làm giàu cho Lò Phản ứng Nghiên cứu Tehran và chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ra khỏi Iran.

Sau khi Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận 2015, ông lập tức khởi xướng chiến dịch "sức ép tối đa" nhằm buộc Iran phải tái đàm phán. Phía Tehran đòi Mỹ trước hết phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận này. Pháp đã nhiều lần cố đưa hai bên ngồi vào bàn đối thoại nhưng đều thất bại, cho thấy cả hai phía không muốn từ bỏ các yếu tố cốt lõi: Mỹ tin áp lực sẽ khiến Iran phải nhượng bộ còn Tehran nhất quyết không khuất phục.

Đến nay, Tehran đã 3 lần đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Cụ thể, vào ngày 1/7, Iran thông báo tăng dự trữ uranium làm giàu qua mức tối đa 300kg đã cam kết trong thỏa thuận, và một tuần sau đó vượt quá giới hạn tinh khiết 3,67% của trữ lượng uranium. Ngày 7/9, Tehran kích hoạt các máy li tâm hiện đại để tăng cường dự trữ uranium đã làm giàu.

Thanh Hảo