Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cáo buộc Hàn Quốc là ‘quốc gia giàu có’, và nước này cần bỏ ra nhiều hơn cho chi phí binh lính Mỹ đồn trú. Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp Seoul lại nói rằng Washington đang muốn nước này bỏ ra số tiền hơn 5 tỷ USD, gấp năm lần ngân sách đồn trú chính phủ Hàn Quốc thông qua trong năm nay.

Tuy nhiên người đứng đầu đoàn đàm phán Mỹ James DeHart trả lời giới truyền thông sau cuộc gặp hôm 18/12 cho biết, số tiền trên (5 tỷ USD) không phải là con số nước Mỹ đang tập trung trong các cuộc đàm phán. Cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận, nước Mỹ sẽ giải thích về số tiền này.

{keywords}
Người đứng đầu đoàn đàm phán chi phí quân sự Mỹ James DeHart. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi về hạn chót cho các cuộc thảo luận tiếp theo, ông DeHart nói rằng ông không thể đưa ra thời điểm cụ thể, nhưng cả hai bên “sẽ đàm phán hăng hái trong dịp năm mới và tháng 1 để có thể hoàn thành thỏa thuận”.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau đó tuyên bố rằng, nhóm đàm phán nước này do ông Jeong Eun-bo dẫn đầu đã nhấn mạnh về sự cần thiết việc đạt được một thỏa thuận “công bằng, hợp lý và được cả hai bên chấp nhận” sẽ giúp tăng cường liên minh giữa hai nước.

Trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua, thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn viên chức Hàn Quốc làm việc cho quân đội Mỹ sẽ buộc phải nghỉ việc không lương.

Hiện nhiều cuộc biểu tình phản đối vấn đề Mỹ đòi thêm chi phí quân sự đang nổ ra tại Hàn Quốc. Reuters trích dẫn cuộc khảo sát do Hội đồng các vấn đề quốc tế Chicago cho biết, chỉ có 4% người Hàn tham gia khảo sát ủng hộ việc Seoul chấp nhận theo yêu cầu của Washington. Trong khi đó, có tới 74% trong số đó cho biết họ ủng hộ việc lính Mỹ hiện diện lâu dài tại Hàn Quốc.

Tuấn Trần