Lãnh đạo Libya Megarif đã có lời xin lỗi tới thế giới và nước Mỹ vì những hành động đã qua và mới xảy ra trên đất nước này. Với quá nhiều bạo lực và công kích tại Trung Đông, khu vực này cần có thêm nhiều sự hàn gắn quyền lực từ những động thái 'hối lỗi' và khiêm nhường như vậy.

Tổng thống lâm thời của Libya  Mohammed el-Megarif có lời xin lỗi toàn thể thế giới vì những gì cựu lãnh đạo Gaddafi đã làm trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm tuần qua.
Với việc Tổng thống Iran nói về 'những người Do Thái man rợ' và Thủ tướng Israel cũng gọi Iran là "đất nước nguy hiểm nhất trên thế giới', có lẽ việc một lãnh đạo ở Trung Đông đứng trước toàn thể Liên Hợp Quốc để nói lời xin lỗi vì tình hình bạo lực ở nước họ sẽ là một điều khác lạ.

Nhưng đó lại là điều mà Tổng thống lâm thời của Libya  Mohammed el-Megarif đã làm vào giữa tuần qua.

Trên thực tế, ông Megarif đã nói hai lời xin lỗi nhân danh người dân Libya vì những hành động của cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi. Lời xin lỗi đầu tiên là đối với sự thiếu tôn trọng Hiến chương LHQ về các quyền con người của cố lãnh đạo Gaddafi. Lời xin lỗi thứ hai là vì "tất cả những thiệt hại, tất cả những tội ác mà vị lãnh đạo này đã gây ra cho quá nhiều người vô tội... vì những sự vơ vét và khủng bố mà ông đã gây ra cho quá nhiều đất nước".

Vài ngày trước đó, ông Megarif cũng xin lỗi trên tư cách cá nhân đối với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton vì vụ tấn công hôm 12/9 vừa qua tại Benghazi đã khiến bốn nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng.

Và có lẽ đây là dấu hiệu cho một xu hướng ở Trung Đông khi mà Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi mới đây cũng xin lỗi về một vụ tấn công do đám đông tiến hành nhằm vào đại sứ Mỹ sau khi đoạn phim báng bổ đạo Hồi phát tán trên YouTube.

Đối với người Mỹ đã quen với việc nghe những lời xin lỗi từ những gương mặt nổi tiếng như Bill Clinton, Oprah Winfrey và Tiger Woods, họ có thể dễ dàng bỏ qua sự hối lỗi bất thường đến từ một trong những khu vực 'khắt khe' nhất trên thế giới.

Nếu những lời xin lỗi là thật lòng, chúng có thể giúp hàn gắn quyền lực, mang lại niềm tin và sự chân thành trong một mối quan hệ, cho dù lời xin lỗi không phải do 'thủ phạm' nói lên mà chỉ đơn giản là nhân danh một đất nước hay một thể chế.

Những lời xin lỗi còn giúp ngăn một cuộc tấn công tái diễn. Và tất nhiên xin lỗi sẽ tốt hơn khi đi kèm với đó là hành động sửa sai.

Một nước Đức thời hậu chiến đã thiết lập nên một tiêu chuẩn trên thế giới trong những lời xin lỗi của họ vì những gì mà Đức Quốc xã đã làm trong quá khứ. Năm 1970, Thủ tướng Đức khi đó là Willy Brandt đã quỳ gối trong chuyến thăm tới một đài tưởng niệm những người Do Thái tại Ba Lan đã bị giết ở thủ đô Vac-xa-va trong cuộc nổi dậy năm 1943.

Rất nhiều Tổng thống Mỹ - từ Dwight Eisenhower cho tới George W. Bush đều xin lỗi vì những hành động của chính quyền trong quá khứ cũng như khi đang tại nhiệm. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay, ứng viên Mitt Romney đã chỉ trích Tổng thống Obama vì đã xin lỗi về những hành vi của Mỹ trong quá khứ, chủ yếu là tại Trung Đông. (Ông Romney có một cuốn sách xuất bản năm 2010 với tựa đề tạm dịch là: Không xin lỗi - Minh chứng cho sự Vĩ đại của Mỹ)

Những từ như "xin lỗi" hay "thứ lỗi" ông Obama không hề nói trong những trường hợp mà ông Romney dẫn ra, trong khi đó, Tổng thống đã chỉ trích những hành động của những người tiền nhiệm đã làm đối với người dân nước ngoài, và nói rằng những hành động đó không đại diện cho các giá trị Mỹ.

Các cuộc tranh cãi nội bộ về các giá trị có thể khiến người Mỹ bớt nhạy cảm hơn khi nghe những lời xin lỗi quan trọng như của Tổng thống Megarif.

Tại Mỹ, văn hóa xin lỗi ngày nay đôi khi lại trở nên quá trớn. Và việc nhận ra sự chân thành trong cách nói 'xin lỗi' của những người nổi tiếng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng có vẻ như người Mỹ đã qua cái thời mà họ sẽ nghe theo lời khuyên của diễn viên John Wayne từng nói trong một bộ phim năm 1949 rằng: "Không bao giờ xin lỗi, không bao giờ giải thích - đó là dấu hiệu của sự kém cỏi".

  • Lê Thu (theo CSMonitor)