Thông tin trên vừa được hãng tin Nga RT đăng tải, dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong thông cáo, phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ này cho biết thêm, lệnh cấm mới được áp dụng từ ngày 4/5.

{keywords}
Nhà máy điện hạt nhân ở Bushehr, Iran. (Ảnh: IRNA/Reuters)

Theo RT, các hạn chế mà Mỹ áp đặt lên nhà máy Bushehr có thể sẽ ảnh hưởng Nga, nước đang hợp tác cùng Iran mở rộng và hiện đại hóa cơ sở này.

"Iran phải ngừng mọi hoạt động nhạy cảm - phổ biến hạt nhân, trong đó có làm giàu uranium", bà Morgan Ortagus nói, nhấn mạnh thêm rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã yêu cầu Tehran "không bao giờ theo đuổi việc tái chế plutonium".

Ngoại trưởng Pompeo lý giải các biện pháp được đưa ra là nhằm ngăn Iran đi theo "bất kỳ con đường nào dẫn tới một vũ khí hạt nhân".

Các quy định về xuất khẩu nước nặng dư thừa, làm giàu urnium giới hạn và mở rộng nhà máy điện dân sự ở Bushehr đã được đưa vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – còn được gọi là JCPOA, được các nước Iran, Mỹ, Trung Quốc và 4 nước hạt nhân châu Âu ký kết. Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, sau đó tái áp đặt các đòn trừng phạt lên Tehran vào tháng 11.

Theo RT, thông báo của Ngoại trưởng Pompeo chứng tỏ chính quyền Donald Trump vẫn muốn phía Iran tuân thủ JCPOA dù Mỹ không làm như vậy.

Miễn trừng phạt đối với vận chuyển nước nặng dư thừa tới Oman và xuất khẩu uranium làm giàu ở mức trên 300 kg cũng đã được đưa vào JCPOA. Nếu bỏ miễn trừ những danh mục này thì Iran sẽ gặp khó khăn trong xử lý uranium đã làm giàu.

Động thái mới của Mỹ khiến cho mối quan hệ giữa nước này với Iran vốn đã căng thẳng càng  trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt sau khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với ngành dầu lửa của Iran nhằm giảm xuất khẩu xuống mức 0, và tuyên bố coi Lực lượng vệ binh Cách mạng (IRGC) là tổ chức khủng bố.

Thanh Hảo