Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đã thông báo về kế hoạch này hôm 30/7, cho biết “việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho Sáng kiến Bố trí Lực lượng (Force Posture Initiatives)”, bao gồm một loạt các thoả thuận hợp tác quân sự đã đạt được giữa Mỹ và Australia năm 2011.

Tuy bà Payne không làm rõ hạ tầng Mỹ sẽ xây dựng là gì, song tháng trước đài ABC Australia đưa tin rằng các kế hoạch đang được âm thầm vạch ra cho một căn cứ hải quân ở thành phố phía bắc Darwin. Một báo cáo nữa hôm 28/7 tiết lộ rằng 211,5 triệu USD đã được để riêng ra cho một dự án trong dự thảo ngân sách quốc phòng thường niên của Thượng viện Mỹ.

Bà Payne cho biết, kế hoạch hạ tầng là nhằm phục vụ hợp tác quân sự, nhưng nhiều khả năng Washington sẽ chủ yếu hướng ánh nhìn về phía Bắc một khi căn cứ hải quân được xây xong. Mỹ đã liên tục nhắc lại những cảnh báo về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông, và đã cho các tàu chiến đi qua các tuyến đường biển đang tranh chấp nhằm củng cố tuyên bố “tự do hàng hải” của mình.

{keywords}
Binh sĩ Mỹ và Australia lắng nghe phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama tại một căn cứ ở Darwin năm 2011.

“Mỹ sẽ có lợi thế về địa chiến lược khi làm việc cùng Australia, và duy trì sự hiện diện tại biển Đông và biển Hoa Đông”, cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof nói với hãng tin RT. Ông Maloof cũng giải thích rằng, một căn cứ của Mỹ tại Darwin sẽ mang lại sự củng cố nữa cho các đồng minh khác trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai nước đồng minh Mỹ này sẽ là những người dẫn đầu nếu xung đột nổ ra với Triều Tiên.

Tuy Tổng thống Donald Trump có chủ trương “Nước Mỹ trước tiên“ đối với chính sách ngoại giao, song ông Maloof chỉ ra rằng Mỹ chưa bao giờ có ý định giảm thiểu hiện diện quân sự quốc tế của mình dưới nhiệm kỳ của ông Trump.

“Khi bạn nhìn vào tất cả các cam kết của chúng ta ở quốc tế, và những gì chính quyền này đã cam kết thực hiện, tuy trong nhiều trường hợp là không cần thiết, nhưng họ đã duy trì sức mạnh này”, ông Maloof nói. “Vì châm ngôn của Donald Trump là, quốc phòng là chìa khoá để tăng công ăn việc làm ở Mỹ, nên để biện hộ cho chi tiêu quốc phòng cao đến vậy, bạn cần phải có nhiều căng thẳng và xung đột”.

Anh Thư