"Chúng tôi kêu gọi quân đội và các lực lượng an ninh Venezuela tiếp tục bảo vệ các lợi ích và sự an toàn của mọi người dân Venezuela cũng như các công dân của Mỹ và những nước khác ở Venezuela. Mỹ sẽ có hành động thích hợp nhằm buộc bất kỳ ai đe dọa sự an toàn và an ninh sứ mệnh cũng như các nhân viên của chúng tôi phải chịu trách nhiệm", trích tuyên bố của ông Pompeo.

{keywords}
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: RT

Theo báo RT, Tổng thống Venezuela Maduro ngày 23/1 đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và buộc phái đoàn ngoại giao của Washington phải rời nước này trong vòng 72 tiếng đồng hồ sau đó. Quyết định "từ mặt" được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump công nhận ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela là tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ này.

Washington và các đồng minh hiện không công nhận chiến thắng của ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi năm ngoái. Trước sự ủng hộ của chính quyền ông Trump, chính trị gia đối lập Guaido cũng bày tỏ mong muốn các nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục lưu lại Venezuela, động thái có thể dẫn đến một sự cố ngoại giao ngoài ý muốn.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lí giải rằng, do Washington không công nhận sự hợp pháp của chính quyền Maduro nên lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ của ông không có tính pháp lý. Ông Pompeo nói thêm, Washington sẽ chỉ thiết lập các quan hệ ngoại giao với Caracas thông qua chính phủ của ông Guaido.

Sau khi chính quyền ông Trump công khai ủng hộ chính phủ của ông Guaido, một loạt nước đồng minh Mỹ đã có động thái tương tự, kể cả Liên minh châu Âu, hầu hết các nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và Canada.

Ngược lại, Cuba, Bolivia và Mexico tuyên bố sẽ đứng về chính quyền hợp pháp của Tổng thống Maduro. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc, các động thái mới của Mỹ phản ánh quan điểm thực sự của phương Tây về luật pháp quốc tế, chủ quyền và sự không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những nước khác.

Tuấn Anh