Thông tin trên vừa được báo chí Iran đăng tải, giữa lúc Washington phát đi các tín hiệu trái ngược về tranh cãi ngoại giao mới nhất này.

{keywords}
Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án cấm vận của Mỹ là "khủng bố kinh tế" trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2018. (Ảnh: EPA)

Tổng thống Donald Trump, hôm 18/9, tuyên bố "nếu tùy thuộc vào ông" thì ông sẽ cho phép nhà lãnh đạo Iran cùng Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tới New York. Nhưng người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo trước đó trong ngày nói rằng đoàn đại biểu Iran nên bị từ chối visa.

Tổng thống Rouhani và phái đoàn Iran dự kiến sẽ tới New York để dự cuộc họp hàng năm của Liên Hợp Quốc vào thứ Hai tuần sau (23/9). Nhưng kế hoạch này là bất khả thi vì không có thị thực vào Mỹ, theo hãng thông tấn Iran IRNA.

"Nếu thị thực không được cấp trong ít giờ nữa thì chuyến đi có thể bị hủy", IRNA đưa tin.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, thành viên trong đoàn, là một mục tiêu cấm vận của Mỹ từ hôm 31/7. IRNA cho biết, ông Zarif dự định lên đường đến New York vào sáng 20/9.

Chính quyền Tổng thống Trump trước đó dọa sẽ "cấm cửa" Ngoại trưởng Iran tới Mỹ. Trong chuyến thăm cuối cùng tới New York hồi tháng 7, ông Zarif chỉ được phép đi lại giữa Liên Hợp Quốc, phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc, nơi ở của đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc và sân bay John F Kennedy của New York.

"Sự vắng mặt của Iran sẽ chứng tỏ một điều là trái với các cam kết của Mỹ với Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ các thỏa thuận, ngoại giao không có giá trị gì với Mỹ cả", IRNA viết và yêu cầu "chính phủ Mỹ phải giải thích hành xử của mình".

Cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến khai mạc ngày 24/9. Với tư cách chủ nhà, Mỹ nhìn chung có nghĩa vụ cấp thị thực cho các nhà ngoại giao làm việc tại trụ sở của Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Mike Pompeo từ chối bình luận cụ thể về diễn biến mới nhất, nói rằng "chúng tôi không nói về việc cấp hay không cấp thị thực".

"Liệu bạn có kết nối với một tổ chức khủng bố nước ngoài hay không, tôi làm sao biết được. Đối với tôi, đó sẽ là một lý do để cân nhắc liệu họ có được phép dự một cuộc họp về hòa bình hay không", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Iran và Mỹ sa vào bế tắc sau hồi tháng 5/2018, Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các cường quốc năm 2015 và tái áp đặt cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo trong nỗ lực theo đuổi chính sách "áp lực tối đa". Iran phản ứng bằng cách rút bớt các cam kết đã đồng ý trong thỏa thuận.

Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm vụ tấn công cuối tuần qua nhằm vào hai nhà máy dầu của Ảrập Xêút và loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu dầu ở Vùng Vịnh.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng phái đoàn Iran sẽ có thị thự sau khi có sự can thiệp từ tổ chức lớn nhất thế giới này. "Chúng tôi đã liên hệ với nước chủ nhà để giải quyết vấn đề thị thực đang tồn tại liên quan đến các đoàn đại biểu. Và tôi hy vọng điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề", ông Guterres nói.

Liên Hợp Quốc được nhận định là nơi có thể diễn ra cuộc gặp giữa hai ông Trump và Rouhani nhưng giới chức ở Warhington và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đều khẳng định hai bên không có kế hoạch nào cho các cuộc hội đàm trực tiếp.

Thanh Hảo