Cảnh báo trên được đưa ra khi một tàu chiến của Nga cập cảng Havana trong chuyến thăm chính thức đến Cuba.

{keywords}
Chiến hạm Nga đến cảng Havana ngày 24/6. (Ảnh: EPA)

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov hôm 24/6 tuyên bố việc Mỹ lên kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa gần biên giới Nga có nguy cơ tạo ra bế tắc hạt nhân ngang ngửa đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra năm 1962 khi Liên Xô đưa các tên lửa đạn đạo tới Cuba, gần bờ biển Mỹ, để phản ứng trước việc Washington triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng bế tắc khi đó kéo dài hai tuần và đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh hạt nhân.

{keywords}
Liên Xô ra lệnh tăng cường vũ khí tầm xa ở Cuba để đe Mỹ. (Ảnh: AP)

Cuộc khủng hoảng được tháo ngòi khi các tàu của Liên Xô hướng tới Cuba quay trở lại để đối mặt với sự phong tỏa của hải quân Mỹ. Rốt cuộc, Liên Xô nhất trí đưa các tên lửa khỏi Cuba, đổi lại Mỹ cam kết không xâm lược Cuba. Washington cũng bí mật cho dỡ bỏ tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để tránh thảm họa hạt nhân.

Thời gian gần đây, Nga liên tục chỉ trích gay gắt việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí INF.

Thứ trưởng Ryabkov nói hôm 24/6: "Nếu mọi thứ đi xa đến mức có sự triển khai các loại hệ thống này trên thực địa thì tình hình không chỉ trở nên phức tạp thêm mà còn leo thang tới đỉnh điểm".

"Chúng ta có thể tự thấy mình ở trong một tình huống mà chúng ta có một cuộc khủng hoảng tên lửa ngang ngửa không chỉ cuộc khủng hoảng hồi những năm 1980 mà còn cả cuộc khủng hoảng Caribbe" – ý nói cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

{keywords}
Máy bay tuần tra Mỹ bay phía trên tàu Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba – khi thế giới đứng trước bờ vực thảm họa hạt nhân.

Hồi tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin từng đưa ra những bình luận tương tự. Ông tuyên bố Moscow sẽ đáp trả bất kỳ động thái nào của Mỹ triển khai các tên lửa hạt nhân mới tới gần Nga hơn, bằng cách triển khai tên lửa tới sát Mỹ.

Cảnh báo của Nga được đưa ra khi tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Hải quân nước này cập cảng Havana. Tàu Đô đốc Gorshkov - mới được đưa vào phục vụ năm ngoái - trang bị nhiều tên lửa hành trình, hệ thống phòng không cùng các vũ khí khác.

Nga không tiết lộ mục đích chuyến đi. Theo truyền thông Cuba, thủy thủ đoàn của chiến hạm này sẽ có một chương trình hoạt động bao gồm thăm xã giao lực lượng Hải quân Cuba và tham quan các địa danh lịch sử - văn hóa nổi tiếng của nước chủ nhà.

Thanh Hảo