CNN cho biết, trong báo cáo mới đây gửi tới các công ty trên toàn quốc (mà hãng tin này có được), Văn phòng Khối Tư nhân của FBI thông báo với các thành viên lĩnh vực tư nhân rằng, họ nên kiểm tra kỹ giấy tờ bác sĩ và tài liệu từ những nhân viên tự nhận có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính.

{keywords}
Ảnh: ABC News

Báo cáo của FBI khuyến cáo, những bước đi mà một công ty phải tiến hành để dừng hoạt động kinh doanh và khử trùng nơi làm việc có thể dẫn tới thiệt hại tài chính rất lớn. Dẫn chứng được nêu ra là trong vụ việc hồi tháng 3, nhân viên "một công ty sản xuất quan trọng" báo với cấp trên rằng, người này dương tính với Covid-19 và nộp giấy chứng nhận từ một cơ sở y tế.

"Do vậy, công ty đã đóng cửa nhà máy bị ảnh hưởng để khử trùng, ngừng sản xuất và ngừng giao vật liệu cần thiết cho nhà máy", CNN dẫn báo cáo của FBI. "Công ty thông báo cho toàn bộ các nhân viên tại cơ sở đó, bao gồm 4 công nhân tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và yêu cầu họ tự cách li".

Nhưng khi xem xét kỹ giấy chứng nhận nhiễm Covid-19 của nhân viên đó, các giám sát viên thấy nghi ngờ. Họ bèn gọi đến số điện thoại trên giấy thì phát hiện số đó không hề liên quan đến điểm tổ chức xét nghiệm virus corona chủng mới.

FBI ước tính, công ty nạn nhân đã mất 175.000USD vì ngừng sản xuất. Các lao động làm cùng nghĩ mình phơi nhiễm virus cũng chịu thiệt hại tài chính cá nhân khi phải trả tiền thuê nhà sống tách khỏi gia đình để đảm bảo cách li.

FBI cho biết, các công ty nên có những hành động cụ thể để ngăn chặn tình trạng trên, tránh biến mình thành nạn nhân của những trò ác ý thời dịch bệnh.

Cơ quan này khuyến cáo các chủ lao động hãy liên hệ với trung tâm y tế có tên trong giấy chứng nhận để xác thực. Các giám sát viên cần chú ý đến tính thiếu nhất quán về phông chữ, khoảng cách hoặc dấu hiệu mà một tài liệu có thể bị chỉnh sửa trên máy tính. Và các hãng cũng nên xem xét thư từ mà các nhà cung cấp dịch vụ y tế cấp cho nhân viên của họ, để nắm được định dạng và cấu trúc chuẩn của văn bản.

Không bình luận về báo cáo cụ thể nào của FBI, một phát ngôn viên của cơ quan này nói với CNN rằng "FBI thường xuyên chia sẻ những thông tin mà chúng tôi đánh giá là quan trọng kiểu này, và chúng tôi cũng trả lời yêu cầu từ các đối tác lĩnh vực tư nhân cho thông tin về những chủ đề cụ thể".

Theo CNN, vụ việc được nêu trong báo cáo kể trên của FBI là một trong hàng loạt trò chơi khăm thời dịch bệnh.

Mới đây, một nhân viên 18 tuổi của cửa hàng McDonald bị bắt và bị buộc tội ở Canada vì làm giả giấy tờ bác sĩ kết luận dương tính với Covid-19 để gửi cho sếp của mình. Hành động của nữ nhân viên đó đã khiến cho nhà hàng phải đóng cửa và khử trùng, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn.

Hồi tháng 3, một người ở bang Nam Carolina đã bị bắt và đối mặt với nhiều tội danh sau khi cảnh sát phát hiện anh ta nộp giấy tờ giả cho chủ sử dụng lao động, trong đó ghi anh ta nhiễm virus corona chủng mới. Trung tâm nơi anh ta làm việc đã phải đóng cửa 5 ngày và tiến hành khử trùng.

Sau khi bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, dịch Covid-19 đã lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, lây nhiễm cho gần 2 triệu người và cướp đi mạng sống của gần 127.000 người khác. Mỹ hiện dẫn đầu với hơn 614.000 bệnh nhân và hơn 26.000 người tử vong.

Thanh Hảo