Các phần thưởng cao quý đang được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao cho các nhân vật với các đóng góp nổi bật trong năm nay trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn chương, Kinh tế và khoa học và Hòa bình.

Nobel 2012: Nhìn lại và suy ngẫm

Khán phòng lắng nghe Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland phát biểu trong buổi lễ trao giải.
Mùa giải Nobel 2012 kết thúc với nhiều bất ngờ và phát minh có ý nghĩa khoa học cơ bản mới mẻ và đặt sắc, lại có triển vọng ứng dụng to lớn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Nobel Kinh tế xướng tên hai nhà khoa học người Mỹ là Alvin E. Roth và Lloyd S. Shapley với công trình “Lý thuyết về phân bố ổn định và thực hành của mô tả thị trường”.

Mỹ cũng độc chiếm Nobel Hóa học khi các nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka với công trình nghiên cứu “các điểm thụ cảm kết đôi G-protein”, có tính ứng dụng rất cao trong lĩnh vực y học.

Trong khi đó, hai nhà khoa học Serge Haroche của Pháp và David Wineland của Mỹ đã chia nhau giải thưởng Nobel danh giá trong lĩnh vực Vật lý năm nay với những phương pháp thí nghiệm mang tính đột phá, cho phép đo lường và thao tác trên các hệ thống lượng tử riêng biệt.

Còn Nobel Y học được trao cho hai giáo sư John B.Gurdon người Anh và Shinya Yamanaka người Nhật vì những nghiên cứu độc lập về cơ chế đảo chiều tế bào trưởng thành thành tế bào gốc vạn năng.

Điều đặc biệt của năm nay là trong hạng mục Văn học, trước đó nhiều người vẫn phỏng đoán phần thưởng này sẽ xướng tên nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami.

Cái tên Mạc Ngôn đã vang lên đầy bất ngờ trong buổi họp báo công bố người thắng giải Nobel Văn học 2012 của Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, vinh danh người có thứ văn chương “hiện thực huyền ảo pha trộn những câu chuyện dân gian, lịch sử và đương đại”.

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay cũng gây ngạc nhiên không kém khi được trao cho Liên minh châu Âu EU vì "đã có hơn 6 thập niên đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu".

Không thoát vòng xoáy suy thoái kinh tế

Với hơn 1200 khách mời và 40 đầu bếp, Thụy Điển đã tổ chức lễ trao giải Nobel hàng năm với hy vọng rằng việc cắt giảm tiền thưởng năm nay sẽ không bị những người tham dự để tâm.

Tuy nhiên trên thực tế, tiền thưởng cho giải Nobel năm nay đã bị cắt giảm 1/5, hợp đồng với các nhà cung cấp cũng đã phải đàm phán lại, và thậm chí số xe chở những người nhận giải cũng bị hạn chế, số lượng khách mời của những người nhận giải cũng giảm.

Một số người còn thắc mắc không biết các khách mời có phải chịu chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ trong các sự kiện kéo dài một tuần lễ hay không. Ước tính, tổng chi phí cho các sự kiện tốn tới 20 triệu crown Thụy Điển (tương đương 3 triệu USD) trang trải cho các món ăn, thiết kế, nhạc sĩ chất lượng cao  nhất, cũng như các hàng nghìn bó hoa được chở từ Italy sang.

Giám đốc Điều hành Quỹ Nobel Lars Heikensten thừa nhận: “Đúng là có một số khoản cắt giảm. Bạn sẽ không nhận ra những khoản đó đâu”.

Trong suốt hơn một thế kỷ, quỹ này đã điều hành số tiền vốn 450 triệu USD để hình thành nên nền tảng cho giải thưởng vốn được nhà sáng chế Alfred Nobel gây quỹ. Nhưng những năm gần đây, khoản tiền lãi cũng chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu.

“Chúng ta nên bảo vệ giải thưởng này” – ông Heikensten nói

Giải thưởng này trước kia trị giá 1,5 triệu USD, nhưng nay giảm xuống còn 1,2 triệu USD cho mỗi lĩnh vực.

Dưới đây là những hình ảnh nổi bật trong đêm trao giải


Đại diện của Liên minh châu Âu Jose Manuel Barroso nhận giải Nobel Hòa bình.

Đức vua Thụy Điển Harald lắng nghe phát biểu trong suốt lễ trao giải. 

Khán phòng lắng nghe Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland phát biểu trong buổi lễ trao giải.
Hoàng hậu Sonja, Thái tử Mette-Marit và Công chúa Haakon vỗ tay trong buổi lễ trao giải Nobel 2012.

Bức phù điêu hình Alfred Nobel được bày tại phòng báo chí của giải Nobel Hòa bình

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland phát biểu trong suốt buổi trao giải.

Khán phòng lắng nghe Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso phát biểu. Năm nay, giải Nobel Hòa bình được trao cho Liên minh châu Âu.

Các lãnh đạo hàng đầu EU cùng có  mặt để nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, trong đó có Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Ireland, Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Bulgaria, Thủ tướng Latvia, Thủ tướng Áo, Thủ tướng Ba Lan, Tổng thống Lithuania, Tổng thống Romania cùng các nguyên thủ khác của châu Âu.

  • Lê Thu (tổng hợp)