Theo các dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, dự trữ vàng của nước này đã tăng đáng kể trong tháng 5, đánh dấu việc Trung Quốc tăng mua kim loại quý tích trữ tháng thứ sáu liên tiếp.

{keywords}
 

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nâng lượng vàng dự trữ từ 61,1 triệu ounce (tương đương gần 1.909,4 tấn) hồi tháng 4 lên 61,61 triệu ounce (hơn 1.925,3 tấn) vào tháng trước. Tính đến cuối tháng 5, tổng giá trị vàng dự trữ của nước này đạt 79,83 tỉ USD, cao hơn mức 78,35 tỉ USD một tháng trước đó.

Tổng cộng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua thêm gần 58 tấn vàng trong vòng 5 tháng vừa qua.

Báo RT dẫn số liệu thống kê từ các nguồn chính thức cho biết thêm, trong tháng 5, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng tổng dự trữ ngoại tệ thêm 0,2%, tương đương 6 tỉ USD, lên mức 3.101 tỉ USD. Điều này trái ngược với ý kiến của các chuyên gia phân tích vốn cho rằng tổng giá trị kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của Trung Quốc sẽ sụt giảm 5 tỉ USD xuống còn 3.090 tỉ USD.

Các động thái mới nhất phản ánh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa các danh mục đầu tư trong bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ.

Helen Lau, một chuyên gia phân tích thuộc công ty chứng khoán Argonaut nhận định trên Bloomberg rằng, nhà chức trách Trung Quốc đang quyết tâm đa dạng hóa nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các tài sản bằng USD. Dự kiến, Trung Quốc có thể mua thêm 150 tấn vàng tính đến cuối năm nay.

Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dẫn tới các biện pháp tăng thuế đánh vào lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá hàng tỉ USD của hai bên. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã áp thuế 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức "ăn miếng, trả miếng" bằng cách công bố mức thuế nhập khẩu 25% đối với 5.000 mặt hàng Mỹ, trị giá tổng cộng 60 tỉ USD.

Giới phân tích cảnh báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung đã bước sang giai đoạn nguy hiểm mới. Toàn cầu sẽ phải trả giá rất đắt nếu Washington và Bắc Kinh áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của nhau, khiến thị trường chứng khoán hai nước lao dốc.

Theo hai nhà kinh tế học Dan Hanson và Tom Orlik, GDP toàn cầu có thể mất tới 600 tỉ USD vào năm 2021, năm bị tác động đỉnh điểm của thương chiến.

Tuấn Anh