Mọi liên lạc ở Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu hầu như đều được tình báo Anh tường tận nhờ một căn cứ quân sự của nước này ở Cyprus. Việc liên lạc của tư nhân, ngoại giao và các doanh nghiệp đều bị giám sát.

{keywords}

Cyprus là nơi rất nhiều cáp quang liên Địa Trung Hải, từ Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu tới nên nó trở thành sự lựa chọn hoàn hảo cho việc cấy thiết bị gián điệp. Báo cáo điều tra chung của một nhóm các phương tiện truyền thông đại chúng xuyên châu Âu cho biết, Sở chỉ huy liên lạc chính phủ Anh (GCHQ) đã không bỏ lỡ việc này. 

Theo tờ L’Espresso của Italia, một hệ thống bí mật có tên mật mã là "Sounder" đã được thiết lập trong khuôn viên của Trại Ayios Nikolaos (một phần của lãnh thổ Anh ở nước ngoài) tại phía đông đảo Cyprus. Trại này được vũ trang tới răng bằng ăng ten và radar, chuyên quét sóng radio ở những khu vực xung quanh với bán kính hàng trăm kilomet.

Mật vụ Anh đã mắc rẽ vào ít nhất 14 đường cáp dưới biển đi qua Cyprus để nghe lén bằng bộ chia cáp bị động, báo cáo cho hay. Hành động này cho phép GCHQ xử lý hàng chục triệu thư điện tử, tin nhắn sms và cuộc điện thoại mỗi ngày để nắm rõ mọi hoạt động trong vùng.

"Hàng loạt cáp nối từ Cyprus tới Israel và Syria, dĩ nhiên là mục tiêu do thám của Anh-Mỹ. Các cáp thông tin khác từ Cyprus tới Lebanon và từ Cyprus tới Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và tới Hy Lạp, Italia cũng bị mắc rẽ để nghe lén", báo L’Espresso đưa tin.

Trong một số thông tin được đăng riêng rẽ khác, báo Ta Nea và kênh truyền hình Alpha TV của Hy Lạp cũng như nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức tiết lộ, mật vụ Anh đã giám sát các tổ chức thương mại chính phủ và cá nhân từ Trung Đông và khu vực Địa Trung Hải trong một thời gian không tiết lộ.

Nhật báo của Đức, nắm giữ được các tài liệu mà Edward Snowden rò rỉ, cũng cho biết có bằng chứng về sự hiện diện của tình báo Mỹ tại căn cứ của Anh ở Cyprus

"Tài liệu rò rỉ cho biết, nhân viên tình báo Mỹ được yêu cầu ăn mặc như du khách vì Anh cam kết với chính phủ Cyprus rằng chỉ có nhân viên Anh làm việc tại đây", báo L’Espresso cho biết.

Khi GCHQ được yêu cầu bình luận về thông tin trên, họ phúc đáp bằng một câu trả lời chuẩn mực: "Có chính sách từ lâu rằng chúng tôi không bình luận về vấn đề tình báo".

Tiết lộ mới trên khiến chính phủ Anh phải ngượng ngùng. Hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu giới truyền thông ngừng công bố các tiết lộ của Snowden với lý do, việc đó làm Anh trở nên "ít an toàn".

  • Hoài Linh (Theo RT)