3 giờ sáng vào một ngày trong tháng 1, Alex Zhang bắt đầu đạp xe đến một bệnh viện ở Vũ Hán để lấy thuốc điều trị căn bệnh HIV của mình. Khi đó, thành phố đang ở trong giai đoạn phong toả ban đầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Thông thường, Zhang sẽ đi tàu hoả hoặc taxi, nhưng giờ đó là điều bất khả thi.

Thay vào đó, Zhang, 26 tuổi, đi từ đêm. Anh đạp xe qua các lối tắt nhỏ để tránh các điểm kiểm tra. Anh có một khung thời gian hạn hẹp để lấy thuốc trước khi lệnh phong toả toàn bộ thành phố được ban bố.

Hàng ngàn người như Zhang đã gặp nhiều khó khăn trong việc có được những loại thuốc họ cần, khi lệnh phong toả khiến việc rời nhà đến bệnh viện lấy thuốc là bất khả thi, nếu không có giấy phép đặc biệt. 

Nhiều người ngần ngại liên hệ với chính quyền địa phương để được giao thuốc đến nhà, vì họ không muốn tình trạng bệnh tật của mình bị tiết lộ với những người trong cộng đồng. “Một số người nhiễm HIV thà ngừng dùng thuốc còn hơn là để lộ danh tính”, Huang Haojie, Giám đốc một trung tâm cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Vũ Hán cho biết.

{keywords}
 Các tình nguyện viên trong nhóm của Huang đến bệnh viện lấy thuốc và giao tận nhà cho các bệnh nhân HIV

Dùng thuốc thiếu liều có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với một số bệnh nhân, Huang nói thêm, vì nếu không được điều trị kể cả chỉ trong thời gian ngắn, virus có thể biến thể và loại thuốc ban đầu sẽ mất bớt tác dụng.

Để phòng tránh việc này, nhóm của Huang đã chấp nhận rủi ro với chính sức khoẻ của mình để đến lấy thuốc HIV ở bệnh viện Jinyintan, trung tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán, và giao nó đến các bệnh nhân ở khắp thành phố.

Sống trong sợ hãi

Ước tính có khoảng 1,25 triệu người đang sống cùng HIV tại Trung Quốc, và khoảng 20.000 người nhiễm HIV hoặc AIDS tại tỉnh Hồ Bắc – theo các số liệu của chính phủ.

Ông Lin Feng, 69 tuổi, đã sống cùng HIV được 5 năm. Lin đã về Vũ Hán để nghỉ hưu và hiện sống một mình, phụ thuộc vào khoản tiền trợ cấp chính phủ cho những người già nhiễm căn bệnh hiểm nghèo này. Ông kể rằng, khi được chẩn đoán, ông đã rất suy sụp và đã nghĩ đến chuyện tự vẫn. Nhưng qua thời gian, ông đã hình thành một mạng lưới hỗ trợ và các con ông dần dần cũng chấp nhận bệnh tình của cha. Tuy nhiên, hầu hết tất cả những người trong cuộc sống của ông Lin đều không biết ông bị bệnh.

Những bệnh nhân HIV tại Trung Quốc thường gặp phải nhiều dị nghị. Nhiều người đã mất việc hoặc bị gia đình ruồng bỏ sau khi công khai bệnh tình. Thuốc điều trị được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân không có các chứng bệnh thứ cấp, và cho những người chưa chuyển sang giai đoạn AIDS. Mỗi bệnh nhân HIV đều phải uống một đến hai liều mỗi ngày. Các bệnh nhân HIV ở Hồ Bắc và tỉnh lân cận Hồ Nam cho hay, các bệnh viện thường cung cấp lượng thuốc đủ dùng trong 3 tháng, sau mỗi lần khám.

Khi dịch Covid-19 lan rộng, Lin bắt đầu hết thuốc. Ông không thể rời khỏi căn hộ của mình và ngại nhờ địa phương, vì sợ họ sẽ phát hiện ra về bệnh tình của ông. “Tôi không thể để cộng đồng biết được, nhỡ tin này lan ra thì sao? Tôi sẽ không có mặt mũi nào để ra khỏi nhà nữa”. Tuy nhiên, sau cùng, ông đã có được số điện thoại của một tình nguyện viên ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Vũ Hán. Người này đã đưa thuốc đến cho ông một cách kín đáo. “Tôi mừng quá. Suýt nữa thì khóc”, ông nói.

Lin là một trong những người may mắn. Ông biết có những người khác đã bắt đầu bỏ lỡ các liều thuốc, vì họ không hay biết về dịch vụ giao hàng tình nguyện.

Làm việc không quản ngày đêm

Trong những ngày đầu tiên của lệnh phong toả, giám đốc Huang kể rằng anh đã nhận được tin nhắn của nhiều người nhiễm HIV sống trong thành phố, cho biết họ đã hết thuốc. Họ mắc kẹt tại nhà hoặc những khu vực ở xa bệnh viện nơi họ đã đăng ký lấy thuốc.

Ban đầu, các bệnh nhân phải lấy thuốc ở bệnh viện nơi họ được đăng ký. Tuy nhiên, đến hôm 26/1, ba ngày sau khi lệnh phong toả đi vào hiệu lực, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ra thông báo cho biết những người nhiễm HIV và AIDS sẽ được phép lấy thuốc ở bất cứ bệnh viện được chỉ định nào.

Kể từ đó, Huang và đội ngũ gồm 22 tình nguyện viên đã làm việc trong những ca dài để lấy và giao thuốc cho các bệnh nhân. “Số yêu cầu chúng tôi nhận được hàng ngày giờ đã lên gần 200 người”, anh nói. “Ban đầu chúng tôi thay phiên nhau làm việc và nghỉ cách ngày, và rồi sau đó gần như tất cả mọi người đều làm việc gần 12 tiếng một ngày. Khoảng 10 nhân viên phụ trách nhận yêu cầu và các cuộc gọi mỗi ngày. Giờ nhận điện thoại của chúng tôi là 9h sáng đến 11h đêm tất cả các ngày trong tuần”.

Jinyintan ở Vũ Hán là địa điểm gần nhất với các tình nguyện viên, nhưng cũng là một trong những bệnh viện được biết đến nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Nơi đây đã trở thành bệnh viện chuyên điều trị các bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2.

Bất chấp việc bệnh viện có đầy các bệnh nhân nhiễm virus, các tình nguyện viên vẫn đến lấy thuốc. Anh Huang cho biết đây là việc nhất thiết phải làm, nếu nó có thể cung cấp đầy đủ thuốc cho các bệnh nhân HIV trong thành phố và tránh tiết lộ tình trạng bệnh của họ.

{keywords}
 Số thuốc được quyên góp cho anh Li để anh gửi đến những người nhiễm Covid-19

Phao cứu sinh

Andy Li, 30 tuổi, bị HIV 8 năm. Không như Lin và Zhang, anh sống ở tỉnh lân cận Hồ Nam, nơi có ca nhiễm virus corona ít hơn Hồ Bắc. Li không gặp vấn đề gì trong việc đi lấy thuốc điều trị HIV. Thay vào đó, anh đang có một vấn đề khác. Anh không kịp gửi chúng cho những người đang cần.

Hiện chưa có thuốc chữa hay vắc-xin chính thức nào cho virus corona chủng mới. Tuy nhiên, hôm 26/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phê chuẩn và khuyến nghị việc sử dụng loại thuốc thường được dùng để điều trị HIV và AIDS, như một phương pháp điều trị hiệu quả để chống lại virus corona.

Chuyên gia HIV người Mỹ David Ho cho biết, mặc dù HIV và virus corona rất khác nhau, song chúng đều sở hữu một loại protein hoặc enzyme gọi là Protease. “Chúng ta cần có các loại thuốc có chức năng đánh vào thành phần Protease trong virus corona”, ông Ho cho biết.

Anh Li đã viết lời nhắn trên trang mạng xã hội Weibo, cho biết anh sẽ quyên góp thuốc HIV của mình để giúp điều trị cho những người nhiễm virus. “Tới 7h tối hôm đó, khoảng 8 người đã kết bạn với tôi. Đến ngày thứ hai, có hơn 20 người… tôi đã gửi đi hơn 30 gói thuốc trong ngày thứ hai”, anh nói.

{keywords}
 Anh Li đóng gói và gửi thuốc cho các bệnh nhân khi nhận được yêu cầu

Tất cả những người xin thuốc đều phải cung cấp bằng chứng cho thấy họ thực sự bị nhiễm bệnh, anh Li nói. Để có thể tiếp tục giúp đỡ, anh Li đã liên hệ với những người nhiễm HIV khác, và rất nhiều trong số họ, đến từ khắp nơi trên toàn Trung Quốc, đã hưởng ứng lời kêu gọi bằng cách quyên góp số thuốc của chính mình để giúp đẩy lùi đại dịch.

Nhiều người bệnh có khả năng kinh tế để mua các loại thuốc khác đắt tiền hơn so với loại thuốc miễn phí của chính phủ, nên họ có thể quyên góp các liều thuốc được phân phát của mình cho những người bị nhiễm Covid-19. Li cho biết anh đã gửi thuốc đi cho tổng cộng 220 người, và quyên tặng 90 liều thuốc còn lại cho các bệnh viện ở Vũ Hán.

Anh cho biết anh thậm chí không nghĩ tới rủi ro của việc cho đi số thuốc của mình. “Tôi chỉ đơn giản là muốn cứu người. Chúng tôi biết có thể có rủi ro, nhưng chúng tôi chỉ có thể nói là nếu có một vấn đề, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết nó”.

Cuộc sống có vẻ như đang dần cải thiện hàng ngày đối với những người sống cùng HIV tại Vũ Hán. Alex Zhang đã nhận lời đề nghị giao thuốc đến nhà của Trung tâm LBGT, và hiện giờ đã có thể tiếp tục sử dụng loại thuốc mà anh cần. “Họ đã cứu sống tôi”, anh nói.

Anh Thư