Hội nghị Putin – Kim diễn ra giữa lúc ngoại giao toàn cầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên rơi vào bế tắc. Ông Kim hiện đang tìm kiếm chiến thắng sau khi cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội không đạt kết quả, còn nhà lãnh đạo Nga muốn có cơ hội nâng cao vị thế của Moscow trong khu vực và giành lợi thế trước Washington.

{keywords}
Ảnh: RT

Chủ tịch Triều Tiên thực hiện hành trình bằng tàu bọc thép và phát biểu với hãng tin Rossiya-24 của Nhà nước Nga rằng, ông hy vọng chuyến thăm "thành công và hữu ích". Ông cho biết muốn thảo luận với Tổng thống Putin về "tình hình trên Bán đảo Triều Tiên" cùng các mối quan hệ song phương.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga. Cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong Il, từng thăm nước láng giềng năm 2011. Kim Jong Un nhắc đến "tình yêu lớn dành cho nước Nga" của cha mình, đồng thời nhấn mạnh ông  muốn tăng cường quan hệ giữa hai bên.

"Tôi đã nghe rất nhiều về đất nước các bạn và từ lâu đã mong muốn tới thăm", ông Kim nói khi dừng chân lần đầu tại nhà ga Khasan gần biên giới với Triều Tiên. "Đã 7 năm kể từ khi tôi lên làm lãnh đạo, và giờ tôi mới thực hiện được điều đó". Sau đó, ông tiếp tục hành trình tới cảng Vladivostok.

Yuri Ushakov, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Nga, nói với báo chí Nga rằng hội nghị Putin – Kim sẽ tập trung vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và Nga sẽ cố gắng "củng cố các xu hướng tích cực" nảy sinh từ các cuộc gặp Trump – Kim.

Hồi tháng 2, hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào do bất đồng về cấm vận. Từ đó không có cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa hai bên được biết đến, mặc dù cả hai đều tuyên bố vẫn sẵn sàng cho cuộc gặp thứ 3.

Chủ tịch Kim muốn Mỹ nới lỏng cấm vận để đáp lại một số bước giải giáp một phần mà Triều Tiên đã thực hiện. Nhưng phía Mỹ quyết giữ nguyên trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng phải hành động thêm nữa.

Một số chuyên gia cho rằng ông Kim sẽ cố gắng thúc đẩy mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Không ít ý kiến lại chỉ ra rằng chưa rõ vai trò của Nga lớn đến đâu trong các nỗ lực tái khởi động đàm phán hạt nhân. Dù vậy, hội nghị Putin – Kim có thể giúp Moscow gia tăng ảnh hưởng trên chính trường khu vực và trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

"Ông Kim muốn chứng tỏ ông cũng hợp tác với Nga, thay vì chỉ hướng đến Mỹ và Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ không dễ dàng để Nga và Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên sự hỗ trợ thực sự dẫn đến dòng chảy đồng đôla", AP dẫn lời Chon Hyun Joon, cựu chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Thống nhất quốc gia ở Seoul.

Nghị trình thượng đỉnh Nga – Triều hôm nay cũng sẽ bao gồm sự hợp tác thương mại song phương. Thương mại giữa hai bên rất nhỏ, chỉ 34 triệu USD trong năm 2018, chủ yếu do Bình Nhưỡng chịu cấm vận quốc tế. Nga có thể sẽ giành được sự tiếp cận lớn hơn với các nguồn khoáng sản của Triều Tiên, trong đó có các kim loại hiếm. Về phần mình, Bình Nhưỡng sẽ đề nghị Nga cung cấp điện và đầu tư nhằm hiện đại hóa đường sắt, cơ sở hạ tầng và các nhà máy công nghiệp vốn được xây từ thời Liên Xô.

Vladivostok, thành phố hơn nửa triệu dân nằm bên bờ Biển Nhật Bản, được đảm bảo an ninh và trật tự tối đa trong chuyến thăm của ông Kim. Một số sảnh tại ga tàu chính của thành phố ngừng hoạt động trong vài ngày, và xe buýt chạy đổi tuyến. Các vùng biển quanh đảo Russky, đối diện Vladivosok, sẽ tạm thời cấm mọi hoạt động giao thông đường thủy. 

Thanh Hảo