Những chiếc Su-30SM hạ cánh xuống Nội Bài khi đang trên đường tới tham dự Triển lãm Hàng không và Hàng hải quốc tế Langkawi (LIMA 2019) tổ chức tại Malaysia từ ngày 26-30/03/2019.

Theo báo An ninh Thủ đô dẫn nguồn tin từ tập đoàn Sukhoi, ngoài 5 chiếc Su-30SM, một máy bay vận tải quân sự IL-76 cũng sẽ hạ cánh xuống Nội Bài. Đây không phải là lần đầu tiên phi đội tiêm kích nhào lộn “Hiệp sỹ Nga” tới và dừng chân tại Việt Nam.

Trước đó vào năm 2013, các “Hiệp sĩ Nga” đã đến Việt Nam trên các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-27UB. Và vào năm 2017, họ tới Việt Nam với những chiếc tiêm kích Su-30SM có các tính năng vô cùng hiện đại.

{keywords}
Tiêm kích Su-30SM. Ảnh: Airliners.net

Su-30SM (được khối NATO định danh là Flanker-H) là phiên bản đặc biệt của dòng Su-30. Phiên bản này được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Đồng thời, Su-30SM cũng có thể thực hiện cả nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất, mặt biển).

{keywords}
Kết cấu máy bay Su-30SM. Ảnh: Blogspot.com

Khung của Su-30SM được làm từ chất liệu titan và hợp kim nhôm có độ bền cao. Thiết kế của biến thể Su-30SM được dựa trên máy bay Su-30MKI do Tập đoàn IRKUT và Công ty Cổ phần Thiết kế Sukhoi hợp tác phát triển cho Không quân Ấn Độ. Điểm khác biệt lớn nhất của Su-30SM với các dòng Su-30 khác đó là biến thể này được lắp thêm 2 cánh mũi, tương tự như tiêm kích Su-35. Su-30SM dài 22,1m, cao 6,38m và có độ rộng sải cánh là 14,7m.

{keywords}
Động cơ AL-31FP. Ảnh: Leteckemotory.cz

Su-30SM sử dụng hai động cơ AL-31FP có sức đẩy trung bình mỗi chiếc là 74,5kN và 122,58kN sau khi đốt nhiên liệu. Nhờ vậy, máy bay có thể đạt tới tốc độ Mach 2+, tức là hơn 2.716 km/giờ, và tầm hoạt động lên tới 3.000km.

{keywords}
Radar BARS N011M lắp trên mũi Su-30 MKI. Ảnh: Defence.pk

Giống như máy bay Su-30 MKI của Ấn Độ, Su-30SM cũng sử dụng radar BARS N011M. Loại radar này có cự ly tìm kiếm lên tới 400km và tầm theo dõi lên tới 200km. Ngoài ra, N011M còn có khả năng phát hiện một nhóm xe tăng ở khoảng cách 40-50km, hoặc một mục tiêu to cỡ tàu khu trục ở khoảng cách 80-120km. Nhờ đó, Su-30SM trở thành một máy bay chiến đấu đa năng, vừa có thể đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích tấn công mặt đất và mặt biển.

{keywords}
Bom dẫn đường bằng laser KAB-500L. Ảnh: Wikimedia.org

Vũ khí của Su-30SM được trang bị gồm một khẩu pháo GSh-30-1 được lắp ở thân máy bay có kích cỡ đạn 30mm và cơ số 150 viên. Su-30SM cũng có thể mang nhiều loại vũ khí có dẫn đường và không dẫn đường như các phiên bản Su-30 khác, điều này cho phép máy bay có thể hoạt động tùy theo từng nhiệm vụ chiến thuật khác nhau. Ví dụ như Su-30SM có thể trang bị các loại tên lửa không đối không, không đối đất, hay bom dẫn đường bằng laser.

{keywords}
Máy bay Su-30SM. Ảnh: Eng.mil.ru

Hiện nay, biến thể Su-30SM đang chiếm số lượng lớn trong tổng số máy bay Su-30 đang hoạt động của Không quân Nga với tất cả 92 chiếc. Su-30SM từng tham chiến tại Syria và kết quả cho thấy rất tốt. Qua đó, hiện đang có rất nhiều nước như Ấn Độ, Iran đang để ý tới biến thể hiện đại của dòng tiêm kích Su-30 này.

Tuấn Trần