Nhiều khả năng, đích đến của kế hoạch triển khai này là nhà máy khí đốt Conoco gần thành phố Deir Ezzor, địa điểm xảy ra cuộc đụng độ hồi 2/2018 giữa các lực lượng Mỹ và dân quân ủng hộ chính phủ Syria. Xe tăng sẽ lấy từ các đơn vị Mỹ đang có mặt ở Trung Đông và theo CNN, điều này sẽ diễn ra tương đối sớm.

{keywords}
Lính Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria theo lệnh của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump lý giải quyết định rút quân khỏi Syria là vì ông muốn đưa lính Mỹ về nhà. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng ông bỏ rơi người Kurd, vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền bắc Syria, và dọn đường cho Ankara tấn công họ ở khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng người Kurd là khủng bố, cáo buộc họ cấu kết với phong trào người Kurd li khai bên trong nước này.

Tuy nhiên, kế hoạch kể trên của Lầu Năm Góc sẽ cần nhiều binh lính để bảo dưỡng, cung cấp và bảo vệ các đơn vị bọc thép giữa vùng sa mạc miền đông Syria hơn là con số ít ỏi 1.000 quân đóng ở nước này trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự khó hiểu cũng thể hiện rõ trong những bình luận của ông Trump thời gian gần đây, trong đó ông tuyên bố Mỹ "bảo vệ dầu lửa" kể cả trong khi rút quân đi.

"Điều đó có nghĩa là bao vây miền đông Syria như một vùng của Mỹ", Aaron Stein – giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao ở Washington, bình luận về kế hoạch của Lầu Năm Góc triển khai xe tăng quanh nhà máy Conoco. "Bạn sẽ phải bảo vệ nó từ trên không. Bạn phải tiếp tế cho nó, và bạn phải bảo vệ các tuyến đường, có thể là từ Iraq. Bạn có thể dễ dàng nhận ra viễn cảnh là chúng ta cuối cùng sẽ có thêm nhiều binh sĩ ở Syria hơn so với ban đầu".

Hôm 24/10, Tổng thống Trump càng khiến tình hình trở nên khó hiểu khi viết trên Twitter: "Có lẽ đến lúc người Kurd bắt đầu hướng đến Vùng Dầu lửa".

Ý của ông Trump dường như là tán thành việc di chuyển dân số từ các khu vực người Kurd dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ về phía nam, tới vùng Deir Ezzor toàn người Ảrập Sunni sinh sống. Một chiến dịch lớn đưa người Kurd rời khỏi nhà của họ cũng phù hợp với kế hoạch của Tổng thống Erdogan muốn chuyển người tị nạn Ả rập Syria tới vùng đông bắc Syria tái định cư, tạo ra một vùng đệm chống lại các chiến binh Kurd.

Hôm 22/10, ông Erdogan cũng đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về một vùng an toàn sâu 30km vào đất Syria, trong đó cảnh sát quân sự Nga và lực lượng bảo vệ biên giới Syria sẽ giám sát việc rút các đơn vị vũ trang người Kurd khỏi khu vực.

Một sự dịch chuyển dân số lớn như vậy - được tiến hành dưới họng súng – có nguy cơ kéo dài vô hạn định cuộc xung đột trên nhiều mặt trận ở Syria, theo Jan Egeland – Chủ tịch Hội đồng Tị nạn Na Uy, cựu giám đốc phụ trách nhân quyền của Liên Hợp Quốc và từng làm cố vấn đặc biệt cho Liên Hợp Quốc về Syria.

Thanh Hảo