Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hồi đầu tuần đã tuyên bố rằng nước này đang sản xuất 5 oanh tạc cơ B-21, tăng so với con số 2 chiếc được thông báo trước đó.

"Hiện có 5 nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo tại dây chuyền sản xuất B-21 bên trong nhà máy không quân số 42 ở Palmdale, California", Bộ trưởng Frank Kendall cho biết tại Hội nghị Không gian, Vũ trụ và Không gian mạng của không quân Mỹ tại bang Maryland hôm 20/9.

“Tôi sẽ không bao giờ đưa ra những dự đoán lạc quan về các chương trình vũ khí. Chúng đều có rủi ro và sản xuất máy bay B-21 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, ít nhất ở thời điểm hiện tại, quá trình này vẫn đang chứng tỏ năng lực tốt trên thực địa".

{keywords}
Hình vẽ mô phỏng oanh tạc cơ B-21 của Không quân Mỹ

Cũng theo ông Kendall, thách thức từ Trung Quốc đang ngày càng lớn và lực lượng không quân Mỹ phải có các máy bay, hệ thống và năng lực để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào.

Hồi tháng 7, trang tin Defense News dẫn lời Randall Walden, Giám đốc phòng Năng lực Phản ứng nhanh của Không quân Mỹ, cho biết việc phát triển các loại oanh tạc cơ B-21 Raider là chìa khóa để hiện đại hóa năng lực hạt nhân và là ưu tiên hàng đầu của lực lượng này. Theo ông Walden, thiết kế của B-21 giúp Mỹ đi đúng hướng trong việc đảm bảo năng lực không quân một cách lâu dài.

Không quân Mỹ đang lên kế hoạch đặt mua ít nhất 100 oanh tạc cơ B-21 có khả năng trang bị được cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân, và dự kiến sẽ đưa chúng vào hoạt động trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, lực lượng này còn có kế hoạch thay thế dần các oanh tạc cơ B-1 Lancer và B-2 Spirit, để thành lập một phi đội B-21 và B-52 cải tiến - một loại oanh tạc cơ chiến lược khác đang được nâng cấp để duy trì hoạt động trong ít nhất 3 thập kỷ tới.

Chu Thần Minh, chuyên gia từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Viễn Vọng tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng việc đẩy nhanh tiến trình chế tạo oanh tạc cơ B-21 nhằm thay thế các khí tài đời cũ và tăng cường năng lực tấn công tầm xa của Không quân Mỹ là để đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc và Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, Mỹ đã điều các loại oanh tạc cơ B-2 và B-52 tới khu vực này để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trong thời gian qua. Ông Chu Thần Minh nhận định, Mỹ sẽ có động thái tương tự đối với các oanh tạc cơ B-21 trong tương lai.

B-21 Raider là oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5, sở hữu thiết kế cánh bay giống dòng B-2 Spirit ra đời năm 1989. Không quân Mỹ hiện vẫn chưa tiết lộ cụ thể các tính năng của dòng B-21, nhưng loại máy bay này dự kiến sẽ được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, mang được nhiều vũ khí và có thể sở hữu tính tự động hóa cao.

Khả năng tàng hình cùng dàn vũ khí hiện đại giúp B-21 được mệnh danh là "sát thủ tàng hình" thế hệ mới của Không quân Mỹ. Dự án phát triển loại oanh tạc cơ này có tổng chi phí lên tới 23,5 tỷ USD, trong đó giá thành chế tạo mỗi chiếc rơi vào khoảng 656 triệu USD.

Việt Anh

Video B-52 Mỹ áp sát không phận, Nga điều máy bay lên ‘hộ tống’

Video B-52 Mỹ áp sát không phận, Nga điều máy bay lên ‘hộ tống’

Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/7 đã công bố video ghi lại cảnh oanh tạc cơ B-52 đang áp sát không phận nước này trên biển Bering.

Oanh tạc cơ Mỹ tiêu diệt hàng trăm tay súng Taliban

Oanh tạc cơ Mỹ tiêu diệt hàng trăm tay súng Taliban

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan, máy bay ném bom B-52 của Mỹ hôm 7/8 đã không kích vào lực lượng Taliban tại thủ phủ Sheberghan của tỉnh Jawzjan.