Từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, khi Mỹ quyết định tiến hành quá trình rút khỏi Hiệp ước INF, họ đã ký hợp đồng mua hàng loạt tên lửa mới trị giá hơn 1,1 tỉ USD với các nhà thầu quân sự, theo báo cáo của Tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) hôm 2/5 cho biết.

Theo số liệu của ICAN đưa ra, Chính phủ Mỹ đã ký kết với nhà thầu quân sự Raytheon khoảng 44 hợp đồng có trị giá 537 triệu USD; ký với Lockheed Martin 36 hợp đồng trị giá 268 triệu USD và với Boeing 4 hợp đồng có trị giá 245 triệu USD.

{keywords}
Vụ phóng tên lửa Minuteman III của Mỹ hôm 1/5. Ảnh: RT

Ngoài ra, nguồn tin của Sputnik còn cho biết, hồi tháng 3 năm nay, Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị thử nghiệm hai loại tên lửa phóng từ mặt đất mới trong tháng 8 tới. Hai loại tên lửa này được phát triển trong 30 năm qua, bao gồm một tên lửa hành trình tầm thấp có tầm bắn khoảng 1.000km và một tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 3.000-4.000km. Các quan chức Mỹ khẳng định hai loại tên lửa mới của họ sẽ không tích hợp đầu đạn hạt nhân.

Khi đưa ra tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF hồi tháng 10/2018, Tổng thống Trump cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa 9M729 mới. Tuy nhiên, phía Moscow luôn bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời Nga cũng công bố nhiều chi tiết liên quan đến tên lửa mới này nhằm chứng minh nó không hề vi phạm quy định của Hiệp ước INF.

Báo cáo của ICAN được đưa ra sau khi Không quân Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III. Tên lửa này được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg ở Tây Bắc Los Angeles vào rạng sáng 1/5 (giờ địa phương). Tên lửa Minuteman III có phạm vi hoạt động khoảng 13.000km và được Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1970. Mỗi tên lửa có thể mang tới 3 đầu đạn hạt nhân và ước tính trị giá 7 triệu USD/quả.

Tuấn Trần