Buk 9K37 (NATO gọi là Gradfly, Mỹ gọi là PK SA-11) được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô năm 1980. Hệ thống tên lửa phòng không cơ động, tự hành này được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đường đạn, tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay trực thăng và cánh cố định, máy bay không người lái, mục tiêu trên mặt nước.

{keywords}
Tổ hợp tên lửa Buk. Ảnh: AP

Được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không cơ động hiện đại nhất thế giới, đến nay, Buk đã được cải tiến qua nhiều phiên bản, như: 9K37M Buk-M1 (1984); 9K37 Buk-M1-2 (1988); 9K37M1 Buk-SAR (1995); Buk-M2, Buk-M3 (2016). Giá mỗi hệ thống khoảng 61 triệu USD.

Một tiểu đoàn Buk-M1 tiêu chuẩn gồm: 1 xe chỉ huy; 1 trạm trinh sát/bắt bám và điều khiển đặt trên xe (TAR); 6 xe phóng (TELAR), mỗi xe mang 4 quả đạn tên lửa sẵn sàng phóng và 4 quả dự trữ, tên lửa đặt trên giá xoay 3600; 3 xe tiếp đạn; radar 9S18 Tube Arm (hoặc 9S18M1 Snow Drift) có thể theo dõi mục tiêu từ khoảng cách 85 km. Khẩu đội tên lửa Buk chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của khẩu đổi từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây.

Phiên bản Buk-M1-2 trang bị cho lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và lực lượng bảo vệ bờ biển, có thể tác chiến trong điều kiện có nhiễu mạnh và tránh được hầu hết các loại nhiễu mục tiêu giả. Khác với phiên bản trước, Buk-M1-2 được trang bị 2 loại radar (9S117M1 Kupol-2 Snow Drift và 9S35M2 Fire Dome) có khả năng phát hiện, bám các mục tiêu ở cự ly 120 km, cho phép ngắm bắn đồng thời tới 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu.

Mỗi xe phóng đạn của hệ thống được lắp 4 quả đạn tên lửa có tầm bắn tối đa 35 km, sử dụng nhiên liệu rắn với tốc độ tối đa 3.700 km/h. Mỗi quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng 70 kg, kích hoạt bằng ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Hệ thống có thể tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao thấp và các mục tiêu bay với vận tốc 3.600 km/h.

So với phiên bản Buk-M1-2, hiệu quả tác chiến của phiên bản Buk-M3 được cải thiện đáng kể.

Trước hết, tầm bắn của Buk-M3 được cải thiện tới 25% với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 2,5 tới 70km, trần cao đạt 35km. Tổ hợp tên lửa phòng không nâng cấp mới này có thể theo dõi cùng lúc 36 mục tiêu di chuyển với tốc độ tới 3km/giây. Radar mới khiến phạm vi phát hiện các mục tiêu trên không có diện tích tương đương 1 mét vuông tăng từ 120 km lên 160 km, góc quan sát mở rộng từ 30-40 độ lên 90 độ theo phương vị và 70 độ theo độ cao.

Mỗi giá phóng của Buk-M3 mang tới 6 đạn, trong khi các phiên bản trước đó chỉ có 4, còn xe vận chuyển mang tới 12 đạn thay vì 6 ở các phiên bản trước. Số lượng đạn tên lửa ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên mỗi giá phóng tăng lên giúp cải thiện khả năng phản ứng trong các cuộc tập kích đường không quy mô lớn.

Một ưu thế nữa là tổ hợp Buk-M3 sử dụng thế hệ đạn tên lửa đánh chặn hoàn toàn mới giúp tăng hiệu quả ngăn chặn các mục tiêu bay, trong đó có cả các mục tiêu bay đạn đạo. Khả năng kháng nhiễu của đạn tên lửa cũng được cải thiện. Tổ hợp Buk-M3 sử dụng 2 dòng đạn tên lửa chính là 9M317 và 9M317M, trong đó 9M317M được thiết kế đặc biệt để chống lại các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và mục tiêu đạn đạo cơ động cao của đối phương.

{keywords}
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3. Ảnh: Sputnik

Đạn tên lửa mới trên Buk-M3 được đặt trong khoang bảo quản đặc biệt giúp giảm thời gian triển khai, thu hồi và cải thiện khả năng tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt. Tốc độ đạn tên lửa của Buk-M3 là Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh) nếu so với Buk-M1-2 là Mach 3; tầm bắn và trần bắn tối đa là 50 và 25 km so với 35 và 22 km.

Ngoài ra, tên lửa mới không yêu cầu radar theo dõi trên toàn bộ hành trình, đầu dò tên lửa giúp nó có thể bắt mục tiêu ở khoảng cách 35 km và tự điều chỉnh đường bay. Ở cự ly từ 70 đến 35 km, đến thời điểm tự tin bắt mục tiêu, tên lửa sẽ đi theo hiệu lệnh phát ra từ đài chỉ huy và radar.

Theo trang tin Topwar.ru, trước khi xảy ra xung đột với Nga, lực lượng phòng không thuộc không quân Ukraine biên chế hơn 70 khẩu đội tên lửa Buk, trong đó đa số là Buk-M1 và một số ít Buk-M1-2. Còn phiên bản Buk-M2 và M3 hiện chỉ có trong trang bị của quân đội Nga.

Và trong cuộc xung đột, đang diễn ra một tình thế oái ăm là các khẩu đội Buk-M1 của Ukraine đang đối đầu với những chiếc Su-30, Su-34 hiện đại của Nga, trong khi các dàn Buk-M2 và Buk-M3 của Nga cũng đã hạ nhiều MiG-29 và Su-27 của Ukraine. 

Nguyên Phong

>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay

Khoảnh khắc hệ thống phòng không ‘cây sồi’ Ukraine bị tên lửa Nga phá hủy

Khoảnh khắc hệ thống phòng không ‘cây sồi’ Ukraine bị tên lửa Nga phá hủy

Theo Bộ Quốc phòng Nga, sự việc xảy ra ở tỉnh Donetsk thuộc Ukraine.