Hiện thông tin về việc tìm thấy máy bay rất khác nhau. Tờ Nikkei Asian Review hôm 30/4 dẫn lời Tướng Charles Brown, Tư lệnh Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, nói với các phóng viên rằng đội tìm kiếm đã xác định được vị trí xác chiếc F-35A và giờ đây chỉ còn vấn đề thu hồi nó.

{keywords}
Ảnh: JASDF

Tuy nhiên, ngay sau đó cùng ngày, Đại tá John Hutcheson phụ trách quan hệ công chúng của Lực lượng Mỹ tại Nhật phủ nhận thông tin trên. Theo ông, vẫn chưa thể định vị được máy bay dưới đáy biển và quân đội Mỹ đang phối hợp với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) làm việc này.

Trong thông cáo gửi đến báo Business Insider, một phát ngôn viên của Không lực Mỹ cũng bác bỏ thông tin đã tìm thấy máy bay.

"Chiếc F-35A của Lực lượng Phòng vệ Nhật rơi ngày 9/4 vẫn chưa được tìm thấy hay thu hồi. Các nhà chức trách Nhật xác nhận một số mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy hồi tháng 4 ngay sau tai nạn. Mỹ đang tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và thu hồi do JASDF dẫn đầu", phát ngôn viên này cho biết.

Chiến cơ bị nạn là một trong 4 chiếc F-35A xuất kích từ căn cứ không quân Misawa đi thực hiện sứ mệnh huấn luyện thực chiến trên không. Nó biến khỏi màn hình radar khoảng nửa tiếng sau khi cất cánh, ở điểm cách căn cứ Misawa 135km về phía đông, ở vùng đảo Honshu miền bắc Nhật Bản.

Một phần đuôi của máy bay đã được tìm thấy trên mặt biển vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, cả phi công và phần thân máy bay vẫn mất tích từ đó đến nay. Các nhà chức trách chưa xác định được nguyên nhân tai nạn. JASDF đã cho dừng bay toàn bộ phi đội gồm 12 chiếc F-35A mà nước này đang có trong tay.

Đây là tai nạn đầu tiên xảy ra với F-35A ở bên ngoài Mỹ. Trước đó, vào tháng 9/2918, một chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng rơi, nhưng ở bên trong lãnh thổ nước này và phi công nhảy dù an toàn.

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin ca ngợi F-35 là "gần như không thể bị phát hiện", rằng siêu tiêm kích này cho phép Mỹ và các đồng minh thống trị bầu trời nhờ "khả năng vô địch và năng lực nhận thức tình huống chưa từng có tiền lệ".

Thanh Hảo