Ở trang trại nuôi gà dưới chân một ngọn núi thuộc tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc, ông Mo Bangmin đang cùng vợ tính toán những thiệt hại. “Tôi thiệt hại khoảng 400.000NDT (hơn 1,3 tỷ), khi tôi mất 1/3 đàn lợn vào năm ngoái. Và nay tôi đang đối mặt với việc mất thêm 200.000NDT nữa từ đàn gà này, tất cả tiền tiết kiệm của đời tôi nay đã mất hết”, ông Mo nói.

Ông Mo là một trong những người chăn nuôi lợn buộc phải chuyển sang nuôi gà, sau khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu ‘càn quét’ đàn lợn của nước này, khiến số lợn của ‘quốc gia tỷ dân’ giảm một nửa do phải mang đi tiêu hủy hay chết do dịch bệnh.

“Có khoảng 160 con lợn tôi nuôi chết, và tôi buộc phải bán 450 con lợn khác khi chúng đang còn sống. Tôi đã phải tự mình đào hố và chôn hàng chục con lợn mỗi ngày”, ông Mo nói thêm.

{keywords}
Người nông dân chăn nuôi gà TQ đang chịu nhiều thiệt hại nặng. Ảnh: SCMP

Ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đang trì trệ và giá cả lợn hồi tháng 11/2019 đã tăng hơn 110,2% so với một năm về trước, khiến chỉ số lạm phát tiêu dùng tại quốc gia này ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Việc giá thịt lợn tăng với tốc độ ‘tên lửa’ khiến người dân buộc phải chuyển sang tiêu thụ nhiều loại thịt khác như gà, hay thậm chí ở một số trường hợp là chó.

SCMP trích số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số tiêu thụ gia cầm bình quân tính theo đầu người tại nước này đã tăng từ 8kg trong năm 2014 lên 9kg trong năm 2019. Và dự kiến con số này sẽ tăng lên 11,4kg trong năm 2020, khi số liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy, sản lượng chăn nuôi gia cầm đã tăng hơn 3 triệu tấn trong năm 2019.

Tuy nhiên đối với những nông dân chăn nuôi có hoàn cảnh giống ông Mo, việc chuyển sang chăn nuôi gia cầm lại không hề sinh lợi nhuận như họ đã tính. Số liệu chính phủ Trung Quốc cho biết, giá bán lẻ gà giống đã tăng 23%, trong khi giá trứng cũng lên hơn 29% trong khoảng thời gian tháng 6/2019 tới tháng 11/2019.

“Gía bán lẻ gà đang tăng, và mọi người thì nghĩ rằng nông dân chúng tôi đang thu lợi. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải chịu đựng (thiệt hại) trong câm lặng, còn những người bán buôn thì thu nguồn lợi khổng lồ”, một nông dân tên Chen nói.

Ông Chen, vốn đã chăn nuôi gà trong hơn 10 năm nay cho biết, có rất nhiều nông dân nuôi lợn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm, nên chất lượng gia cầm của họ nuôi thường kém và giá họ đưa ra cũng thấp. Chính điều này đã “tạo ra một cuộc chạy đua cắt cổ trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm”, và khiến giá gà giống mà ông bán ra gần đây thấp hơn cả giá khi cúm gia cầm nhiều năm trước bùng phát.

“Người chăn nuôi lợn đang đổ xô vào ngành chăn nuôi gà bởi dịch tả lợn châu Phi. Họ khiến giá gà giống tăng lên mức không thể tưởng tượng nổi”, ông Chen nói thêm.

Quay lại với ông Mo, ông cho biết ông đã kiếm được một khoản tiền kha khá từ đợt gà đầu tiên bán ra trong tháng 9/2019. Tuy nhiên, ở đợt hai và ba thì lại là một ‘thảm họa’, khi giá đám thương lái đưa ra giảm từ 18NDT xuống còn 10NDT cho một kg thịt gà.

“Gà giống tốn khoảng 8 NDT/con, và chi phí nuôi mỗi con hết tầm 16NDT. Tôi định bán chúng sau 65 ngày, nhưng rồi cũng không thể bán được 90 ngày sau đó. Hôm qua, tôi đã phải bán lỗ hơn 10.000 con gà”, ông Mo nói.

Ở thành phố Phật Sơn cách trang trại ông Mo 70km, cô Chen Chunhua cũng bị thiệt hại về tài chính giống như ông Mo, khi năm ngoái hơn một nửa đàn lợn của cô chết. Và cô cũng đã nuôi gà thay cho lợn tại trang trại của mình. Hồi đầu tháng 12, cô bán gần như toàn bộ số gà mình có, chỉ để lại 30 con trong tổng số hơn 40.000 con gà cô nuôi cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

{keywords}
Cô Chen Chunhua. Ảnh: SCMP

Giở cuốn sổ ghi chép, cô ước tính cô đã thiệt hại khoảng 20.000NDT khi chuyển sang nuôi gia cầm.

“Những thương lái hôm đầu tiên trả 11,6 NDT/kg gà, tuy nhiên tới hôm sau giá đó xuống còn 11,2NDT. Tôi không thể tiếp tục kêu gọi giúp đỡ khi tôi vốn đã thua lỗ rồi. Loại gà tôi bán cho thương lái ở chợ có thể được bán ít nhất 30 NDT/kg. Chúng tôi cũng không có lựa chọn nào ngoài việc bán gà khi chúng dưới 4kg, nếu không sẽ rất khó bán”, cô Chen nói.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp người chăn nuôi lợn ở nước này đối phó với tác động từ dịch tả lợn châu Phi, bao gồm trợ cấp, đưa ra các khoản vay, các khoản bảo hiểm cho lợn, cũng như mở rộng nguồn cung cấp nhằm phục hồi số lượng lợn tại nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng sẽ mất nhiều năm để khôi phục đàn lợn của nước này.

Tuấn Trần