Các chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên được cho là đã xây dựng phần lớn các bộ phận then chốt trong tên lửa tầm xa của họ một cách độc lập. Tuy nhiên, một số nguyên vật liệu có sẵn lại được nhập từ nước ngoài.

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên
Sau khi phân tích tên lửa Unha-3 (Ngân Hà - 3) của Triều Tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng trước, các chuyên gia Hàn Quốc kết luận rằng thực chất, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bay tới 10.000km. Vụ phóng này được cho là nhằm củng cố tiềm lực tên lửa của Triều Tiên.

"Mặc dù Triều Tiên đã bị cấm mua các công nghệ và vật liệu tối tân do các lệnh cấm quốc tế, nhưng họ vẫn đạt được công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa thông qua một số thử nghiệm và kinh nghiệm" - hãng tin Yonhap dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng giấu tên.

Các ngiên cứu cho thấy Bình Nhưỡng đã sử dụng các động cơ tên lửa Nodong và bốn động cơ vecnê cho máy tăng thế tầng đầu tiên.

Có khoảng 10 thành phần, bao gồm dây điện, máy chuyển điện và một thiết bị điện nữa đều được nhập khẩu từ năm quốc gia, trong đó có Trung Quốc và các quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, không có vật liệu nhập ngoại nào vi phạm quy định Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) do 34 quốc gia thống nhất với nhau nhằm hạn chế việc xuất khẩu các hệ thống và công nghệ liên quan tới tên lửa đạn đạo.

"Mặc dù không có sản phẩm nhập khẩu nào vi phạm MTCR, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn sẽ thảo luận về việc có bổ sung thêm các nguyên liệu nhập khẩu vào danh sách các vật thể bị kiểm soát" - quan chức giấu tên cho biết thêm.

Các quan chức Hàn Quốc nói thêm rằng họ sẽ điều tra thêm để xem năm quốc gia mà Triều Tiên nhập khẩu vật liệu có vi phạm Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an LHQ hay không.

Nghị quyết này cầm việc xuất khẩu vũ khí và các chuyển đổi tài chính giữa các thành viên Liên Hợp Quốc và Triều Tiên.

  • Lê Thu (theo Yonhap)