Các cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ ở Thái Lan và lời cam kết từ Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva về việc xây dựng một phe đối lập "có tính xây dựng" là những tín hiệu đầy hy vọng ở một đất nước bị chia rẽ phe phái nghiêm trọng.

BÀI LIÊN QUAN:


Nhiều người Thái Lan ủng hộ Yingluck vì họ yêu quý anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức nếu muốn đặt dấu chấm hết cho thực trạng đối đầu chính trị trong nước.

Với chiến thắng bầu cử của đảng Pheu Thái hôm 3/7, Yingluck Shinawatra sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Là một doanh nhân thành công song có ít kinh nghiệm trên chính trường, Yingluck có được tài sản chính trị lớn nhất là mối quan hệ với anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006 nhưng vẫn được hàng triệu người Thái tin tưởng ủng hộ.

Tuy thế, Thaksin cũng chính là trở ngại lớn nhất của em gái vì ông bị nhiều người thù ghét, trong đó có không ít nhân vật quyền lực ở Bangkok. Chính những thế lực này đã hợp sức hạ bệ được chính phủ thân Thaksin cuối cùng vào năm 2008 thông qua làn sóng biểu tình đường phố kết hợp với các vụ kiện tại tòa. Nếu Yingluck không thuyết phục được họ, Thái Lan khó mà thoát khỏi thế bế tắc chính trị vốn đã khiến nước này rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính lật đổ Thaksin năm 2006. 

Yếu tố quyết định thành công sẽ là việc chính phủ mới thực hiện một trong các cam kết của mình nhanh chóng đến mức nào: điều tra một lệnh ân xá cho phép Thaksin trở về, một động thái chắc chắn sẽ chọc giận những người thù ghét Thaksin.

Nhiều tin đồn đảo chính đã xuất hiện trên chính trường Thái Lan và quân đội đang được theo dõi sát sao. Đa số các nhà quan sát đều nghĩ rằng quân đội sẽ thận trọng khi hành động công khai chống lại một kết quả có sức thuyết phục; tuy nhiên, lực lượng này có sẵn các vũ khí khác trong kho của mình.

Nhiều người lo ngại sẽ sớm có một cuộc tấn công về pháp luật nhằm vào Pheu Thái hoặc nhằm các thành viên riêng rẽ. Theo luật Thái Lan, các đảng chính trị có thể bị giải tán và toàn bộ các thành viên bị loại khỏi chính trường trong 5 năm nếu bất cứ ai bị tuyên tội gian lận bầu cử. Hai đảng ủng hộ Thaksin trước đó đã bị giải thể theo điều luật này.

Tuy nhiên, Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế, cho rằng, cuộc bầu cử vừa qua ở Thái Lan đã chuyển một thông điệp tới những người có thể bị kích động dùng tòa án để thay đổi kết quả bầu cử. 

"Đó là một quyết định lớn đối với đất nước chúng tôi. Nếu người dân thích những gì đang diễn ra, họ đã không bỏ phiếu cho Pheu Thái".

Thế nhưng, kết quả bầu cử là một chuyện. Thực tế, tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều được cho là phản ánh sự chia rẽ trong dân chúng về phúc lợi xã hội, về kinh tế và ý thức hệ... Và cử tri sẽ buộc chính phủ phải trả giá nếu không thực hiện các cam kết của mình.

"Trong 2 năm qua, chính phủ không quan tâm nhiều tới người nghèo. Họ không bao giờ hỏi chúng tôi muốn gì", trích lời Thamolwan Jamjaeng, một người ăn mừng bên ngoài trụ sở Pheu Thái sau chiến thắng. 

Tuy nhiên, hy vọng của người dân càng cao có nghĩa là thách thức của chính phủ mới càng lớn.

"Cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, chính phủ mới sẽ cải thiện được mọi thứ". Paiwan Thongsa-ard, một người bán dạo, phấn khởi nói. Nhưng nếu người phụ nữ này bị làm cho thất vọng, rất có thể cô sẽ thể hiện điều đó trong lá phiếu bầu lần sau.

Thanh Hảo (Tổng hợp)