Thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng xảy ra trong 24 giờ qua, điển hình là cuộc bỏ phiếu ngày Siêu thứ Ba đang diễn ra ở Mỹ, Myanmar ấn định ngày bầu cử Tổng thống.

Tin nổi bật

{keywords}
Ảnh: ABC News

Ngày 1/3, tức ngày Siêu thứ Ba (Super Tuesday), cử tri tại 12 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đi bỏ phiếu bầu chọn hai ứng cử viên chính thức đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa đua vào Nhà Trắng.

Các điểm bỏ phiếu tại bang Virginia mở cửa đầu tiên, bắt đầu từ lúc 6h sáng (giờ địa phương, 18h giờ VN). Tiếp đến là các bang Georgia, Alabama, Arkansas, Colorado, Massachusetts...

Một ứng viên Cộng hoà cần đạt được 1.237 phiếu đại cử tri để được chọn còn ứng viên Dân chủ phải có được sự ủng hộ của ít nhất 2.383 đại biểu. Trong ngày Siêu thứ Ba, 595 phiếu đại cử tri được phân bổ bên đảng Cộng hoà trong khi bên đảng Dân chủ, con số này là 865 phiếu.

Siêu thứ Ba là thử thách lớn nhất của vòng bầu cử sơ bộ đối với các ứng viên Tổng thống Mỹ. Đây là cơ hội lớn đầu tiên để họ tranh thủ sự ủng hộ và giành giật đại biểu, theo hình thức tỷ lệ dựa trên phiếu bầu hoặc theo kiểu "được ăn cả ngã về không".

 Hiện nay, ứng viên đang chiếm ưu thế của Đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton còn của phe Cộng hòa là Donald Trump.

Tin vắn

- Quốc hội Myanmar ấn định 10/3 là ngày bầu Tổng thống tại Quốc hội thay cho ngày 17/3 dự kiến trước đó. Hạ viện, Thượng viện và nhóm đại diện cho quân đội sẽ giới thiệu ứng cử viên riêng rẽ. Ai nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất tại Quốc hội sẽ trở thành Tổng thống, 2 người còn lại sẽ giữ chức Phó Tổng thống.

Sau cuộc, Myanmar sẽ thành lập Chính phủ mới và tiến trình chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 31/3.

- Quan chức cấp cao Mỹ cho biết, sau nhiều tuần bí mật chuẩn bị, lực lượng đặc nhiệm của quân đội nước này bắt đầu chiến dịch tiêu diệt các nhân vật IS đầu não.

- Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Nga đã nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng thực thi thỏa thuận chấm dứt những hành động thù địch ở Syria và để các bên tham chiến ở Syria quay trở lại bàn đàm phán chính trị.

- Nga và Mỹ nhất trí sẽ không thảo luận về những cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời tăng cường hợp tác để xây dựng một cơ chế đảm bảo các cuộc không kích ở Syria sẽ chỉ nhằm vào IS và Mặt trận al-Nusra có quan hệ al-Qaeda.

- Quân đội Phillippines cho biết họ đã tiêu diệt 24 đối tượng bị tình nghi ủng hộ IS. Người phát ngôn các lực lượng vũ trang Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla, xác nhận 6 nhân viên an ninh thiệt mạng trong khi hơn 10 người khác bị thương trong chiến dịch quy mô lớn này.

Tin ảnh

{keywords}

Cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ. Hàng nghìn người đang mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp và tình hình trở nên căng thẳng khi đám đông tức giận định phá vỡ một hàng rào thép ngăn cách nước này với Macedonia ở thị trấn Gevgelija miền nam trong khi cảnh sát cố gắng đẩy lui họ. (Ảnh: AP)

Phát ngôn

Cảnh báo mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và một số nhóm phiến quân phát động chiến tranh hóa học ở Trung Đông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán toàn cầu về một hiệp ước mới nhằm đối phó với hiểm họa này.

Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ vũ khí do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Lavrov nói: "Ngày nay, mối đe dọa đó đang trở nên hết sức cấp bách sau những sự thật mới được tiết lộ về hành vi tái sử dụng không chỉ các hóa chất công nghiệp độc hại mà còn cả các chất sử dụng trong chiến tranh hóa học của IS vàcác nhóm khủng bố khác ở Syria và Iraq".

 "Mối đe dọa gia tăng liên quan tới những tội ác tương tự đang được thực hiện trên lãnh thổ Libya và Yemen", ông Lavrov nói thêm.

Sự kiện

Ngày2/3/2004, mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành một vụ thảm sát nhân lễ hội Ashura ở Iraq, làm 170 người thiệt mạng, hơn 500 người khác bị thương.

Thanh Hảo