Tết Nguyên Đán năm nay, Tiffany Chen đang thử nghiệm những điều mới mẻ và đặt một bữa ăn sẵn cho cả gia đình, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay.

Trước đây, Chen, đang làm việc tại Bắc Kinh, thường trở về quê nhà ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc để đón Tết. Gia đình cô sẽ ăn Tết theo cách truyền thống đó là nấu thật nhiều đồ ăn cho bữa tiệc tất niên.

{keywords}
Một gia đình Trung Quốc tổ chức tiệc tất niên ở nhà hàng. (Ảnh: China Daily)

Nhưng nhiều năm gần đây, họ đã thay đổi suy nghĩ. Mẹ của Chen cảm thấy việc nấu một bữa cỗ thật phiền phức và bà bắt đầu dị ứng với mùi dầu mỡ và khói bếp. Năm nay, mẹ Chen quyết định tới Bắc Kinh thăm con gái.

Để vẫn giữ được một cái Tết trọn vẹn, Chen bắt đầu tìm kiếm các nhà hàng và đặt bàn cho bữa tất niên, tuy nhiên những nơi này đều đã kín khách còn gia đình Chen không muốn đi ra ngoài khi trời lạnh. Sau đó, cô đã đăng nhập vào Elemen, một phần mềm giao đồ ăn và gõ chữ "bữa ăn cho năm mới".

"Tôi thực sự đã tìm thấy một số kết quả", Chen nói.

Dễ dàng đặt được đồ ăn sẵn là một trong nhiều cách mà công nghệ đang thay đổi cách đón Tết của người Trung Quốc và sự thay đổi này đã được nhiều thế hệ chấp nhận chứ không riêng gì giới trẻ.

Bạn có thể tìm thấy các nhà hàng phục vụ các món ăn khác nhau từ vịt quay Bắc Kinh cho tới lẩu hay các món xào thông thường cho những bữa tiệc Tết thông qua các ứng dụng như Eleme.

{keywords}
Những món đồ chơi công nghệ được trẻ em ưa thích. (Ảnh: SCMP)

Yan Jianlong quê ở tỉnh Hồ Nam, hiện đang là một nhà thiết kế tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Năm nay, thay vì mua các đặc sản của Thâm Quyến anh lại mua một món đồ công nghệ cho cậu con trai 10 tuổi của mình.

"Tôi nghe nói con trai thích những món quà thế này", Yan tâm sự.

Chen Zhiyang, làm việc tại một cửa hàng bán điện thoại di động, tai nghe và các đồ chơi điện tử tại một nhà ga cho biết đồ chơi robot như những chú chó hay máy bay không người lái là những món đồ bán chạy nhất trong dịp Tết.

Một truyền thống vô cùng quan trọng đó là nhận lì xì cũng không thoát khỏi làn sóng hiện đại hóa. Thông thường, tiền lì xì sẽ được để trong những phong bì đỏ và trao tận tay người nhận trong ngày Tết. Giờ đây, ứng dụng di động Wechat, do tập đoàn Tencent phát triển, đã thêm chức năng cho phép mọi người gửi tiền trực tiếp qua "lì xì" điện tử kèm theo những tin nhắn.

{keywords}
Lì xì điện tử ngày càng phổ biến. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Dữ liệu mà Tencent cung cấp cho SCMP cho thấy mức phổ biến của tính năng này đã tăng hàng năm kể từ khi được ra mắt vào năm 2014. Năm 2018, tổng cộng 688 triệu người Trung Quốc đã gửi lì xì điện tử vào đêm Giao thừa, tăng 15% so với năm trước đó.

Công nghệ đồng nghĩa với việc ngay cả khi truyền thống đoàn tụ có thay đổi, mọi người vẫn có thể trò chuyện với người thân qua điện thoại và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho dù họ cách nhau bao xa.

Wang Xiaoya, một cư dân tại Bắc Kinh cho biết, cô sẽ đến Brazil trong Tết này và cô sẽ trò chuyện trực tuyến với mẹ và ông bà trong những ngày lễ. Ông bà Wang cũng đã học cách sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc được với cháu gái.

"Công nghệ giúp các gia đình và bạn bè trở nên gắn kết hơn", Wang khẳng định.

{keywords}
Gọi điện chúc Tết cho người thân ở xa. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trên mạng xã hội có không ít người hoài nghi về việc liệu công nghệ có thay đổi không khí của Năm mới và liệu mọi người có trở nên lười biếng và hướng nội hay không.

"Tôi nghĩ rằng thứ mà công nghệ thay đổi chỉ là thủ tục", Chen nói. "Không quan trọng bạn đón Tết ra sao, bạn ăn ở nhà, ra ngoài ăn hay gọi món về không quan trọng mà quan trọng là bạn ăn cùng với ai".

Sầm Hoa