Lợn thường không được biết đến với việc xây tổ, và chắc chắn càng không được biết đến với việc sử dụng các công cụ một cách phức tạp. Chúng chưa bao giờ được quan sát thấy khi sử dụng bất kỳ công cụ nào, do loài này không có ngón ở chi.

Nhà bảo tồn sinh thái học Meredith Root-Bernstein, đồng tác giả của nghiên cứu phát hành trên tạp chí Mammalian Biology, đã tình cờ có phát hiện này ở một sở thú tại Paris, khi cô đã chứng kiến con lợn tên Priscilla đang đào đất bằng một que củi ngậm trong mồm.

“Nó ngậm một vài chiếc lá, di chuyển chúng sang một chỗ khác trên mỏm đất, và dùng mũi đào một chút”, Root-Bernstein viết trong bản ghi chép quan sát. “Sau đó nó ngoạm một thanh củi dẹt khoảng 10cm x 40cm nằm trên đất, dùng đó để đào, lật đất lên và đẩy đất ra phía sau”.

Root-Bernstein thích thú đến nỗi đã quay lại thăm sở thú này nhiều lần trong các năm 2015, 2016 và 2017 cùng một đội ngũ các nhà nghiên cứu. Họ đưa các vật liệu vào chỗ ở của đàn lợn để xem Priscilla và các ‘bạn cùng chuồng’ của nó sẽ phản ứng thế nào với các công cụ.

Trong chuyến thăm đầu tiên của các nhà nghiên cứu, các con vật đã không làm gì nhiều với các dụng cụ. Nhưng đến năm 2016, Priscilla và ‘con gái’ của nó đã di chuyển các que củi với một động tác như đang chèo thuyền, để đào đất và xây tổ.

Bạn của Priscilla, Billie, cũng đã dùng que củi để đào đất, nỗ lực của anh chàng này được các nhà nghiên cứu cho là “vụng về” hơn các con cái trong đàn.

{keywords}
Gia đình lợn hoang trong nghiên cứu của cô Meredith Root-Bernstein

Trong thí nghiệm năm 2017, một lần nữa Priscilla lại dùng que củi để đào tới 7 lần. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng lưu ý rằng việc đào đất bằng que củi thường không có hiệu quả bằng việc đào bằng mõm và móng guốc. Vậy thì tại sao đàn lợn lại sử dụng công cụ này?

Có thể đơn giản là chúng thích làm việc đó. Các nhà khoa học cho biết đàn lợn có thể coi việc sử dụng được công cụ là một thành tích khiến chúng cảm thấy vui. Và nó dường như cũng không làm ảnh hưởng gì đến việc xây tổ cả. Hay có thể là hành vi này thực chất lại có lợi cho việc xây tổ, chỉ là con người chưa biết vì sao. Nghiên cứu này đã không xác định được tại sao đàn lợn cứ tiếp tục dùng que củi để đào đất.

Dù ở trong trường hợp nào thì hành vi này nhiều khả năng cũng đã được học theo trong gia đình Priscilla. Lợn hoang Visayan sống trong các hộ gia đình và cũng giống như trẻ em, chúng quan sát người khác để xem những gì là đúng và làm theo.

Root-Bernstein cho biết rất ít loài động vật được ghi nhận biết cách sử dụng công cụ để mang lại lợi ích. Các loài linh trưởng như vượn và đười ươi dùng dụng cụ để tìm kiếm thức ăn. Nhưng lợn sử dụng công cụ là việc gần như chưa từng được biết đến trong giới khoa học.

Ngoài việc khẳng định thêm về trí thông minh của loài lợn, phát hiện này cũng cung cấp các manh mối cho thấy nhận thức có thể tiến hoá như thế nào, và mối liên hệ giữa các sinh vật và môi trường sống của chúng.

“Chúng ta nghĩ rằng, chỉ có con người mới có thể thao túng môi trường xung quanh để tạo ra các thay đổi trong cuộc sống, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, các loài động vật khác cũng làm được việc này”, cô cho biết.

Anh Thư