Tuy nhiên, cô gái 23 tuổi, đến từ Pontianak, tỉnh Tây Kalimantan (Indonesia) đã sớm phát hiện ra bị lừa. Năm 2018, Monika gặp người môi giới và sau đó, cô kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc 28 tuổi rồi nhận được 17 triệu rupiah (khoảng 27 triệu đồng). Từ đó, 10 tháng thê thảm của cô bắt đầu.

Theo SCMP, Monika cho hay, cô bị chồng đánh vì từ chối quan hệ tình dục trong khi mẹ chồng thường xuyên đánh mắng cô trong căn nhà ở tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc 122km về phía đông bắc.

{keywords}
 

Monika, cô gái bé nhỏ, có nước da trắng, là một trong số 29 phụ nữ Indonesia bị một đường dây buôn người lừa kết hôn và làm lao động không lương ở Trung Quốc hồi năm ngoái, Liên hiệp các lao động di trú Indonesia cho biết.

Câu chuyện của nhóm 29 người này là phần bổ sung cho truyện dài kỳ về số phận của hàng nghìn phụ nữ trên khắp Đông Nam Á và Nam Á, cũng bị lừa tương tự.

Tuần trước, Trung Quốc cho biết đã cứu 1.147 nạn nhân của đường dây buôn người, gồm cả 17 trẻ em. Các nạn nhân tới từ nhiều quốc gia, gồm cả Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.

Monika đã kể lại lý do tại sao cô đồng ý kết hôn.

Monika mới hoàn thành những năm đầu phổ thông, không biết nói tiếng Anh lẫn tiếng Trung, mà chỉ nói được tiếng Indonesia.

{keywords}
 

“Người môi giới nói tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp ở Trung Quốc và tôi có thể gửi tiền về cho cha mẹ, người chồng cũng cho tôi tiền. Bà môi giới cũng nói, tôi có thể về nhà và thăm bố mẹ bất cứ lúc nào”.

Sau cuộc gặp đầu tiên, Monika đồng ý chấp nhận đề nghị của người môi giới và đi tới thành phố Singkawang, cách nơi ở của cô khoảng 150km. Tại đây, Monika gặp hai người đàn ông Trung Quốc và được yêu cầu chọn một trong hai làm chồng. Monika chọn người trẻ hơn, 28 tuổi. Cả hai đã nói chuyện với nhau 2 tiếng qua người phiên dịch.

Ngày hôm sau, họ gặp nhau tại một thẩm mỹ viện và trao nhau nhẫn cưới, giấy tờ kết hôn bằng tiếng Indonesia và tiếng Trung Quốc, chụp ảnh chung.

Monika nhận được 18 triệu rupiah tiền hồi môn, nhưng phải trả 1 triệu cho người mai mối. Một tuần sau, cô lên máy bay sang Trung Quốc. Monika cho hay, dù đã ký giấy tờ, nhưng cô vẫn nghĩ rằng mình mới chỉ đính ước, sẽ tổ chức hôn lễ sau đó. Tuy nhiên, ngay khi tới nhà chồng, Monika đã biết bị lừa. Chồng cô không kiếm được 10 triệu rupiah một tháng như người môi giới nói, mà kiếm được ít hơn nhiều vì chỉ là công nhân xây dựng.

Mỗi ngày, từ 7h sáng tới 7h tối, Monika phải làm hoa giấy cho mẹ chồng bán lấy tiền. Bà mẹ chồng thường giấu đồ ăn, không cho Monika sử dụng internet, ngăn chặn mọi con đường liên lạc của cô với gia đình và bạn bè.

Suốt 10 tháng, Monika sống ở Trung Quốc bằng visa du lịch. Mọi khoản tiền của cô đều bị mẹ chồng giữ. Một lần, vào mùa đông, cô buộc phải ngủ ngoài nhà sau khi lên tiếng xin về thăm nhà. “Mẹ chồng tôi là người vô cùng đáng sợ, tôi giờ tôi vẫn còn sợ khi nghĩ về bà ấy. Chỉ thoáng nhìn thấy bà ấy từ xa cũng khiến tôi sợ hãi”.

Monika cuối cùng cũng tìm được cách thoát thân bằng cách gọi taxi đến đồn công an, sau khi được trợ giúp từ một người bạn trên mạng. Công an đã cho cô mượn điện thoại để gọi tới đại sứ quán Indonesia ở Bắc Kinh.

Oky Wiratama, một luật sư ở Jakarta cho hay, những gì xảy ra với Monika chính là nạn buôn người. “Những người phụ nữ được thu nạp với cam kết về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, một khi nạn nhân tới Trung Quốc, họ bị khai thác, số tiền hứa chuyển về cho gia đình ở Indonesia không có và họ cũng không được cầm tiền”.

Cuối tuần trước, Monika đã trở về Jakarta, sau 10 tháng mà cô mô tả là đầy nước mắt. Hôn nhân của cô được huỷ bỏ.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì không có con với anh ta. Điều gì sẽ xảy ra với lũ nhỏ, nếu cha chúng là người hay đánh vợ và bà chúng là một người chuyên hành hạ, ngược đãi. Khi ở Trung Quốc, tôi đã hoá điên, tôi khóc mỗi ngày cho tới nửa đêm. Giờ, tôi chỉ muốn có một công việc để giúp các em tiếp tục tới trường. Hôn nhân là điều quá xa vời với tôi lúc này”.

Hoài Linh