Tính đến ngày 21/3, toàn thế giới ghi nhận hơn 280 nghìn ca nhiễm bệnh, với hơn 11 nghìn ca tử vong và khoảng 93 nghìn trường hợp được chữa khỏi. Tỷ lệ khỏi bệnh là 32,8%.

Vì những lý do đặc thù xã hội văn hóa cũng như nhân khẩu học, việc không chủ động áp dụng những biện pháp mạnh cần thiết đã khiến một số quốc gia vỡ trận chỉ sau thời gian ngắn chống dịch.

Trước khi cùng nhau hợp tác để tìm thấy tiếng nói chung, từng châu lục và mỗi quốc gia vẫn đang phải tự mình tìm cách đối mặt với khó khăn.

Cứu mình trước, hợp tác sau

Tại Mỹ, tất cả 52 bang của nước này nều đã có người nhiễm virus. Bên cạnh việc phong tỏa các thành phố, Tổng thống Donald Trump ngày 18/3 đã tuyên bố kích hoạt đạo luật sản xuất Quốc phòng 1950. Đạo luật này cho phép chính quyền Liên bang huy động sản xuất các sản phẩm đảm bảo an ninh quốc gia.

Nước này dự kiến sẽ tăng tốc sản xuất khẩu trang, dụng cụ bảo hộ và máy hô hấp nhân tạo. Chính phủ Mỹ cũng đã điều động 2 tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ tại cảng New York và khu vực Bờ Tây để hỗ trợ các bệnh viện địa phương. Mỹ và Canada đồng ý đóng cửa biên giới tạm thời giữa hai nước và giữ nguyên lưu thông hàng hóa.

Châu Âu đã không thể chặn đứng sự bùng phát của virus và trở thành tâm dịch của thế giới. Theo nhận định của các chuyên gia, lục địa già có thể đạt đỉnh dịch trong tháng sau. Trước bối cảnh nguy cấp này, Liên minh châu Âu (EU) đang cần sự hợp tác với nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên trong những động thái đầu tiên, mỗi nước lựa chọn tự cứu lấy mình trước nhất.

Chỉ sau hơn 1 tháng, tính đến ngày 19/3, Italia chính thức trở thành nước có số người chết vì virus Corona cao nhất thế giới với hơn 3.400 ca tử vong.

Hàng loạt quốc gia EU đơn phương đóng cửa biên giới, đặc biệt với Italia. Biên giới Liên minh châu Âu và các quốc gia trong khối Schengen đóng cửa trong vòng 30 ngày. Sự kiểm tra gắt gao và các lệnh phong tỏa giữa nhiều quốc gia đã gây ra tình trạng tắc nghẽn lưu thông.

Bên trong những đoàn xe dài chờ đợi tại cửa khẩu là rất nhiều lô hàng vật tư y tế và thực phẩm đang trên đường đến các bệnh viện và siêu thị. Cung cầu hàng hóa đang được duy trì nhưng có khả năng một cuộc khủng hoảng hậu cần sẽ xảy ra.

Ủy ban châu Âu mới đây đã thuyết phục thành công Pháp và Đức dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu vật tư y tế. 25 trên 27 quốc gia EU đồng ý tham gia vào một chương trình mua chung các thiết bị bảo hộ để giảm giá thành và tránh cạnh tranh.

Trung Quốc, sau khi nhận sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu vào tháng 1, cũng đồng ý hỗ trợ đáp trả ngay lập tức một số lượng lớn khẩu trang và bộ xét nghiệm Covid-19. Nước này cũng đã gửi riêng cho Italia một lô hàng hỗ trợ thiết bị bảo hộ y tế trong bối cảnh nguồn lực hạn chế hiện tại đây đang quá tải

Nước Anh cũng đã tuyên bố các biện pháp bán phong tỏa đất nước. Từ ngày 20/3, các địa điểm giải trí công cộng bị cấm, các trường học trên toàn nước Anh sẽ đóng cửa. Các biện pháp hạn chế đi lại đang được tiến hành. Tại London, khoảng 40 trạm tàu điện ngầm đã dừng hoạt động.

Vùng Trung Đông ghi nhận sự gia tăng số lượng lớn các ca nhiễm bệnh tại Iran. Một số lãnh đạo cấp cao của chính phủ nước này đã dương tính với virus Corona và tử vong. Isarel, Ảrập Xê-út và UAE đã đóng cửa nhiều phần biên giới đất liền và trên không với Iran, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các quốc gia đang xảy ra xung đột như Syria, Lybia và Yemen chưa có thông báo về các ca nhiễm virus nào làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt thông tin khu vực này.

Châu Phi, vùng hạ Sahara hiện tại vẫn là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất với hơn 230 ca nhiễm và 4 ca tử vong. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cảnh báo các nước này nên thức tỉnh trước khi mọi chuyện diễn biến bất ngờ.

Tại châu Úc, từ ngày 19/3, New Zealand cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Mọi du thuyền cũng bị cấm tới nước này cho đến 30/6. Cùng ngày, Australia cũng tuyên bố cấm nhập cảnh đối với người không phải công dân hoặc thường trú nhân nước này và ban hành luật cấm tập trung đông người. Thủ tướng nước này cảnh báo khủng hoảng có thể kéo dài tới 6 tháng.

“Đây là sự kiện trăm năm mới xảy ra một lần”, Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp mới đây.

Người cứng rắn, kẻ chủ quan

Khả năng phong tỏa cách ly trên diện rộng cùng việc nhanh chóng xây dựng các cơ sở y tế mới đã giúp Trung Quốc kiểm soát được tình hình sau 4 tháng. Nước này cũng cho mở lại một bệnh viện dã chiến để tiếp tục đương đầu với các nguy cơ “nhập khẩu” dịch bệnh từ dòng người nhập cảnh.

Những kinh nghiệm đắt giá từ quá khứ chống đại dịch SARS năm 2003, cùng cách tiếp cận toàn chính quyền và khả năng giám sát hệ thống một cách đồng bộ đã giúp Hong Kong, Đài Loan và Singapore đi trước đại dịch Covid-19 một bước.

Nhiều quốc gia có công tác phòng dịch tốt như Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục chủ động triển khai các chiến dịch trong giai đoạn 2, bao gồm các công tác cách ly người nghi nhiễm và khả năng xét nghiệm quy mô lớn để phát hiện các ổ dịch mới. Kèm theo đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chức năng và quân đội trong toàn bộ quá trình.

{keywords}
Mỗi người nhập cảnh ở Hong Kong được phát vòng tay điện tử để giám sát việc di chuyển trong 14 ngày cách ly - Ảnh: Declan Chan.

Phong tỏa biên giới, hạn chế xuất nhập cảnh và tạm dừng xét thị thực cho người nước ngoài cũng là những hành động cần thiết đang được nhiều quốc gia áp dụng. Để giảm tải cho hệ thống y tế, các biện pháp tái sử dụng không gian đã được sử dụng tại nhiều quốc gia; từ việc xây dựng bệnh viện dã chiến bằng cách tái thiết các dự án bỏ hoang cho tới sự bắt tay hợp tác với các đơn vị kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng, đi kèm với hỗ trợ từ phía chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày trở lại đây, các quốc gia khác tại Đông Nam Á lại liên tiếp phát hiện thêm nhiều ổ dịch lớn. Tại Malaysia, một cuộc họp Hồi giáo quốc tế tập trung khoảng 16.000 người vào cuối tháng Hai là nguyên nhân chính gây nên ra sự bùng nổ số ca nhiễm bệnh tại nước này và các nước láng giềng.

Tại Indonesia, chính quyền đã phải ngăn chặn một sự kiện Hồi giáo tập trung khoảng hơn 8.000 người hành hương ở thành phố Gowa. Ngày 20/3, thủ đô Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần, đóng cửa các hoạt động giải trí và hạn chế phương tiện giao thông công cộng.

{keywords}
Một chiếc xe buýt ở Yangon, Myanmar hôm 17/3. Ảnh: New York Times.

Chỉ sau khi có sự bùng phát lây nhiễm gần như đồng thời tại nhiều nơi, các biện pháp mạnh mới được áp dụng một cách muộn màng. Khả năng phát hiện sớm nguồn lây nhiễm và cô lập ổ dịch mới trong cộng đồng ngày càng giảm.

Đông Nam Á đứng trước nguy cơ trở thành tâm dịch mới.

Rủi ro an ninh xã hội

Bên cạnh việc phải tiếp tục đối phó với sự lây lan virus, tình hình an ninh xã hội cũng trở nên phức tạp hơn. Các cơ quan chức năng phải chia nhỏ lực lượng để phục vụ công tác phòng chống dịch trên quy mô lớn là cơ hội để tội phạm gia tăng hoạt động. Điển hình tại Pháp, ba vụ đột nhập lớn xảy ra tại các cơ sở y tế với hàng chục nghìn khẩu trang và nước rửa tay đã bị đánh cắp.

Trên không gian mạng, lợi dụng việc cập nhật và chia sẻ thông tin, các hacker giả mạo đơn vị chức năng hòng trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng, hàng loạt tin giả xuất hiện trên các mạng xã hội là một yếu tố gây hoang mang tới cộng đồng và tạo ra hỗn loạn ngoài đời thật.

Ngay từ khi có thông tin về các lệnh phong tỏa, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á đã chứng kiến làn sóng hồi hương của du học sinh và kiều bào. Điều này tạo thêm áp lực lên toàn bộ quá trình kiểm soát, khai báo y tế, hậu cần và cách ly.

{keywords}
Sinh viên Hong Kong từ London trở về nhà hôm 17/3. Ảnh: Reuters

Mới đây, Bộ Giao thông Vận Tải Việt Nam đã yêu cầu Cục Hàng không cách ly bắt buộc 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh tất cả các hành khách. Các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích ngoại giao, công vụ thực hiện cách ly tại cơ quan ngoại giao hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế. Việc cách ly này có hiệu lực từ 0h ngày 21/3.

Có thể nhận thấy rằng chính phủ mỗi quốc gia đều phải tự mình đảm bảo kiểm soát được các vấn đề y tế, các nguy cơ an ninh xã hội nội bộ và cân bằng nền kinh tế. Không nước nào muốn trở nên bị động và phụ thuộc. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch, các cường quốc cũng đang trong một cuộc chạy đua với nhau nhằm tìm kiếm vaccine phòng dịch.

Thế giới đang trong một cuộc chiến dịch tễ. Cuộc chiến này đòi hỏi các quyết định linh hoạt và cứng rắn cần thiết đến từ những người lãnh đạo tỉnh táo.

Khánh Cường