Tại Mỹ, đã có hơn 1 triệu ca nhiễm được ghi nhận, với gần 61.000 trường hợp tử vong. Đến cuối tuần này, sẽ có ít nhất 31 trên tổng số 50 bang tại Mỹ tiến hành tái mở cửa một phần. Các quốc gia khác cũng đang hoặc sắp nới lỏng các lệnh giới hạn bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc.

Vùng Calabria ở Italia sẽ bắt đầu nới lỏng giới hạn trong ngày 30/4. Bồ Đào Nha sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 2/5 tới. PhápThụy Sĩ sẽ đều bắt đầu tái mở cửa từ ngày 11/5, trong khi Hy Lạp đã bắt đầu mời gọi khách du lịch đến đây trong mùa hè này, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội vẫn sẽ được áp dụng.

{keywords}
Hầu hết các quốc gia Trung và Tây Âu đều đang rục rịch mở cửa trở lại sau các lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Liên minh châu Âu đã tụt giảm 3,5% trong quý đầu của năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi EU bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 1995. Hôm 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Âu hiện “vẫn còn đang ở trong tầm ngắm của đại dịch”, và việc nới lỏng cần phải được thực hiện một cách vô cùng thận trọng. Châu lục này chiếm 46% số ca nhiễm và 63% số ca tử vong liên quan đến Covid-19 trên toàn cầu.

Trong ngày 30/4, Nga đã phải đón nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 7.099 ca nhiễm mới được ghi nhận. Một kỷ lục mới cũng được xác lập tại châu Á khi Pakistan công bố thêm 874 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đầu đại dịch.

Ở châu Á, Singapore vẫn đang là một trong những điểm nóng lớn nhất với 528 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 30/4, chỉ đến 12h trưa giờ địa phương, đưa tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 16.169 ca. Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ 18/2, Hàn Quốc không ghi nhận ca nhiễm nội địa mới nào trong ngày 29/4, với chỉ 4 ca nhiễm đều là những trường hợp trở về từ nước ngoài.

Ở nước láng giềng Nhật Bản, đã có 236 ca nhiễm mới và 26 trường hợp tử vong tử vong được ghi nhận trong ngày 29/4, đưa tổng số ca nhiễm lên thành 14.800 với 428 trường hợp tử vong. Hệ thống y tế Nhật Bản đang có những dấu hiệu chật vật trong nỗ lực kiểm soát chiều hướng tăng kéo dài trong số ca nhiễm.

Nhìn chung trên toàn thế giới, ngoài một số điểm nóng vẫn đáng lo ngại như Nga, Singapore, Brazil... có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy đại dịch toàn cầu đang thuyên giảm. Song, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo thận trọng khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đồng loạt rục rịch tái mở cửa nền kinh tế, khi mà rủi ro tái bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu, như đã được chứng kiến ở một số nơi như Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore.

Anh Thư