Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật lúc 6h30 sáng ngày 16/5. Số hồi phục đạt hơn 1,75 triệu người.

{keywords}
Quan tài người chết vì Covid-19 được đưa đi ở Manaus, Brazil. (Ảnh: Reuters)

Với hơn 25.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận gần 1.483.000 người dương tính với Covid-19. Nước này cũng có thêm 1.558 ca tử vong, nâng danh sách tổng lên 88.470 người.

Đứng tiếp theo trong danh sách bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất là Tây Ban Nha, Nga và Anh. Brazil vọt lên vị trí thứ 6, trở thành tâm dịch mới của thế giới khi có tới hơn 218.000 người nhiễm bệnh, tăng hơn 15.300 ca chỉ trong ngày 15/5. Số ca tử vong ở quốc gia này tăng 824 lên quá 14.800 người.

Covid-19 tái bùng phát dữ dội ở Iran

Iran cho biết nước này ghi nhận thêm 2.102 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất tính theo ngày kể từ tháng 4 ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Kianoussh Jahanpour nói, mức tăng trên nâng tổng số người dương tính với virus corona chủng mới tại Iran lên 116.635, trong khi số tử vong là 6.902 người.

Cảnh báo đỏ hiện vẫn được duy trì ở tỉnh Khuzestan, miền tây nam Iran. Sau khi quốc gia Hồi giáo này bắt đầu nới lỏng phong tỏa trên toàn quốc thì Khuzestan là tỉnh duy nhất bị tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

New York gia hạn phong tỏa

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo vừa ký ban hành lệnh hành pháp, theo đó gia hạn phong tỏa ở thành phố New York đến ngày 13/6. Tuy nhiên, sắc lệnh cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển và "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp dần mở cửa trở lại.

Thành phố New York hiện là tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ, với hơn 20.000 bệnh nhân đã tử vong. Thống đốc Cuomo đang tập trung xây dựng lộ trình để từng bước vực dậy nền kinh tế của tiểu bang vốn đã gần như tê liệt.

Đến nay, New York đã chi trả 7,4 tỷ USD tiền trợ cấp thất nghiệp cho 1,7 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong thời gian tới, nếu được Thượng viện thông qua, bang này sẽ nhận được 34 tỷ USD và thành phố New York nhận được 17 tỷ USD từ khoản hỗ trợ của liên bang để đối phó với đại dịch và nối lại các hoạt động kinh tế.

200 triệu người ở châu Phi có thể mắc Covid-19

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch Covid-19 có nguy cơ cướp mạng sống của 150.000 người và khiến trên 200 triệu người ở châu Phi mắc bệnh trong vòng một năm nếu chính phủ các nước không triển khai các biện pháp khẩn cấp.

Nghiên cứu dự báo khoảng 231 triệu người, tương đương 22% dân số 1 tỷ người ở châu Phi có thể nhiễm virus corona chủng mới trong giai đoạn 12 tháng, phần lớn trong không có hoặc có rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, ước tính có 4,6 triệu ca cần phải nhập viện trong khi 140.000 người nhiễm bệnh nặng và 89.000 bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, khoảng 150.000 người nguy cơ tử vong.

Nghiên cứu cảnh báo thêm, dù nhiều quốc gia châu Phi đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 nhưng hệ thống y tế của họ vẫn có thể nhanh chóng bị quá tải. 

Kinh tế toàn cầu nguy cơ mất 8,8 nghìn tỷ USD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán đại dịch Covid-19 có thể tước đi gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi dự báo trước đó.

Theo một báo cáo mà ADB công bố ngày 15/5, nền kinh tế thế giới có thể mất từ 5,8 nghìn tỷ USD đến 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương từ 6,4-9,7% GDP toàn cầu. Điều này tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán hồi tháng 4 cũng của ngân hàng này rằng kinh tế toàn cầu có thể mất từ 2 nghìn tỷ USD đến 4,1 nghìn tỷ USD.

Theo ADB, cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc lớn vào thời gian ngăn chặn đại dịch trong bao lâu. Ngân hàng cũng dự đoán kịch bản xấu nhất là các biện pháp phòng dịch sẽ tồn tại trong nửa năm. Nếu các biện pháp như hạn chế đi lại và kinh doanh kéo dài không quá 3 tháng thì thiệt hại sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Thanh Hảo