Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 4/5 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã tấn công 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho ít nhất 3.560.911 người và khiến 248.048 trường hợp trong số đó tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến 1.152.914 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.
Anh phòng tình huống thủ tướng thiệt mạng vì Covid-19
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Sun hôm 3/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ chính phủ nước này từng chuẩn bị "các kế hoạch chiến lược", khi ông phải nhập viện điều trị vì nhiễm Covid-19, kể cả tình huống ông không qua khỏi và tử vong.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Johnson, 55 tuổi thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới hôm 27/3 nhưng nói ông tự cách ly tại nhà vì chỉ có triệu chứng nhẹ. Song, theo yêu cầu của các bác sĩ, ông đã nhập viện hôm 5/4 khi mức oxy trong máu xuống quá thấp và được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực một ngày sau đó.
Lãnh đạo Chính phủ Anh từng phải dùng máy trợ thở trong 3 ngày do tình trạng bệnh trở nặng, nhưng cuối cùng ông đã bình phục và được xuất viện hôm 12/4. Theo BBC, ông Johnson và hôn thê Carrie Symonds mới đây đã quyết định đặt tên cho cậu con trai mới sinh của cặp đôi là Wilfred Lawrie Nicholas Johnson nhằm thể hiện sự kính trọng và biết ơn với những người ông của họ và hai vị bác sĩ đã chữa trị cho thủ tướng tại bệnh viện.
Tiết lộ của ông Johnson được đưa ra khi Anh hiện đã vượt qua Tây Ban Nha trở thành nước đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Italia xét về số người chết vì Covid-19. Đảo quốc sương mù hiện ghi nhận 28.446 trường hợp tử vong trong tổng số gần 187.000 ca nhiễm trên toàn quốc.
Số ca tử vong ở Mỹ gần chạm mốc 70.000 người
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm cũng như tử vong vì dịch liên tục tăng và hiện đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 25.299 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.101 người thiệt mạng, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc tính đến sáng sớm 4/5 lên gần 1,2 triệu người với 68.545 trường hợp trong số đó đã tử vong.
Theo CNN, ông J.B. Pritzker, thống đốc bang Illinois mới đây đã lên tiếng chỉ trích Nhà Trắng "không có những đóng góp hữu ích trong nhiều tuần" đối với cuộc chiến chống Covid-19 trong nước. Phát biểu trong chương trình "Face the Nation" của kênh CBS, ông Pritzker nhấn mạnh, chính các thống đốc bang đã phải tự chia sẻ với nhau cách ứng phó với khủng hoảng và giữ cho người dân an toàn trước dịch bệnh.
Trong khi đó, ông Marty Walsh, Thị trưởng thành phố Boston thuộc bang Massachusetts cũng bày tỏ lo ngại về việc tái mở nền kinh tế, cũng như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành ở Mỹ. Ông lên án chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra "các thông điệp khó hiểu", dẫn đến tình trạng người dân tụ tập đông tại trung tâm mua sắm quốc gia ở thủ đô Washington hay Công viên Trung tâm ở tâm dịch New York, làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh nguy hiểm.
Ông Walsh tin rằng, các thành phố trên khắp nước Mỹ vẫn cần xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng cũng như trang bị đủ đồ bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Hơn 50% ca nhiễm mới Covid-19 ở Nga không có triệu chứng
CNN dẫn lời các quan chức y tế Nga cho hay, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 10.633 ca dương tính với virus corona chủng mới, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 134.687 người. Đáng nói, tới 50% số ca mắc mới Covid-19 ở xứ sở bạch dương trong ngày 3/5 không bộc lộ các triệu chứng nhiễm bệnh.
Tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Nga tính đến sáng sớm 4/5 là 1.280 người, tăng 58 trường hợp so với một ngày trước đó. Song, tỷ lệ tử vong ở nước này thấp hơn nhiều so với các "điểm nóng" khác vì dịch trên thế giới.
Tổng thống Vladimir Putin cho hay, tùy theo tình hình cụ thể, Nga có thể nới lỏng các biện pháp giới hạn nhằm dập dịch từ ngày 12/5. Tuy nhiên, ông yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm việc giãn cách xã hội nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus corona chủng mới.
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: Reuters |
Pháp, Italia và Tây Ban Nha đón tín hiệu mừng
Cả Pháp, Italia và Tây Ban Nha hôm 3/5 đều ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 thấp nhất trong nhiều tuần qua, khi chính phủ các nước này chuẩn bị cho nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, Pháp có thêm 135 ca tử vong, Italia ghi nhận 174 trường hợp thiệt mạng (mức thấp trong vòng hai tháng qua) và Tây Ban Nha có 164 người tử vong (thấp nhất kể từ giữa tháng 3).
Tại Tây Ban Nha, một số doanh nghiệp được mở cửa trở lại từ hôm nay, 4/5 khi cả nước bắt đầu "giai đoạn 0" của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 8 tuần áp dụng sắc lệnh khẩn cấp quốc gia để dập dịch.
Trong khi đó, Điện Elysée xác nhận Pháp sẽ không áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh từ khu vực Schengen thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Song, trong đề xuất gửi lên Quốc hội, Chính phủ Pháp muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 thêm gần 2 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch lần thứ hai.
Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:
- Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic hôm 4/5 cho biết, nước này sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 trong tuần này vì tốc độ lây nhiễm virus corona chủng mới đã chậm lại. Quốc gia vùng Balkan này hiện ghi nhận 9.464 ca mắc Covid-19 với 193 trường hợp tử vong. Quốc hội Serbia dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai từ giữa tháng 3 như đóng cửa biên giới, các sân bay, giới nghiêm hàng ngày....
- Bangladesh có thêm 665 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 3/5, mức tăng cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi Chính phủ công bố dịch hôm 8/3. Theo hãng thông tấn quốc gia BSS, đã có 177 bệnh nhân Covid-19 ở Bangladesh thiệt mạng trong tổng số 9.455 ca dương tính với virus corona chủng mới trên toàn quốc. Trong cuộc họp trực tuyến mới diễn ra với các quan chức 56 quận huyện khắp cả nước, Thủ tướng Sheikh Hasina đã công bố nhiều gói hỗ trợ người dân cũng như các bước đi cụ thể nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực do dịch bùng phát.
- Bộ Y tế Brazil thông báo, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 4.588 ca nhiễm mới Covid-19 với 275 trường hợp thiệt mạng, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc vượt mốc 100.000 người và tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 7.025 người, nhiều hơn bất kỳ nước láng giềng nào thuộc khu vực Mỹ Latin. Theo các chuyên gia, những số liệu trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế do Brazil không xét nghiệm virus corona chủng mới rộng rãi trong dân.
- Chính phủ Ai Cập tuyên bố sẽ cho phép các khách sạn mở cửa trở lại để đón khách du lịch nội địa, với điều kiện họ phải hoạt động với công suất không quá 25% cho đến cuối tháng 5 và thực hiện một loạt các biện pháp y tế khác để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Tính đến sáng sớm 4/5, nước này ghi nhận 6.465 ca mắc Covid-19 với 429 người đã tử vong. Theo Thủ tướng Mostafa Madbouly, Ai Cập sẽ bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường dần dần sau tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo (kéo dài từ 24/4 - 23/5).
- Tổng thống Tanzania nói sẽ cử máy bay đến Madagascar để nhập khẩu một loại thuốc bổ thảo dược được lãnh đạo nước này ca ngợi là điều trị được bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Tổng thống Congo-Brazzaville cũng thông báo sẽ nhập khẩu dược phẩm dạng nước này, vốn được bào chế từ cây artemisia (một nguồn cung cấp dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc trị bệnh sốt rét) và được tung ra thị trường chỉ sau 3 tuần thử nghiệm trên 20 người.
Tuấn Anh