Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 7/7, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 185,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4 triệu trường hợp tử vong. Số bệnh nhân hồi phục đạt gần 170 triệu.

Brazil hiện dẫn đầu thế giới về sự lây lan và chết chóc của virus SARS-CoV-2, với hơn 62.500 ca nhiễm mới và hơn 1.660 nạn nhân xấu số trong ngày 6/7. Đến nay, nước này ghi nhận trên 18,8 triệu trường hợp dương tính và gần 527.000 người tử vong.

Trong nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19, Hạ viện Brazil vừa thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền trong sản xuất vắc xin và các loại dược phẩm trong trường hợp y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.

{keywords}
Tình hình dịch Covid-19 ở Indonesia đang diễn biến khó lường. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, dịch bệnh tại Ấn Độ đang trên đà giảm bớt, với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ít nhất trong hơn 100 ngày qua.

Ngày 6/7, nước này ghi nhận thêm hơn 43.300 ca vào tổng hơn 30,6 triệu người nhiễm, và thêm 909 nạn nhân vào 404.200 trường hợp tử vong.

Đến nay, Ấn Độ đã tiêm được hơn 300 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trên toàn quốc.

Indonesia xin giúp đỡ chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính phủ Indonesia vừa đề nghị một số nước giúp đỡ đảo quốc này.

Theo Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan, đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới Covid-19 ở ngưỡng 40.000-70.000 ca/ngày. "Chúng tôi đã liên lạc với Singapore, Trung Quốc và các nguồn khác. Thực sự chúng tôi đã làm mọi công việc một cách toàn diện", ông cho biết.

Indonesia cũng đang phối hợp với Facebook, Google và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để thu thập dữ liệu về hoạt động đi lại của người dân, giúp giám sát thực thi Lệnh Hạn chế các sinh hoạt cộng đồng (PPKM) khẩn cấp.

Hôm 6/7, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh thành lập một bệnh viện khẩn cấp chữa trị Covid-19 tại Ký túc xá Pondok Gede Hajj ở Jakarta. Với sức chứa khoảng 1.000 giường, cơ sở này sẽ tiếp nhận các bệnh nhân từ thủ đô Indonesia và vùng phụ cận. 

Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng chuẩn bị một số địa điểm khác gồm hàng nghìn giường phục vụ cách ly người bệnh và tăng công suất điều trị.

Thái Lan mua thêm vắc xin ngừa Covid-19

Nội các Thái Lan, hôm 6/7, thông qua việc ký kết thỏa thuận mua 20 triệu liều vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và mua thêm 10,9 triệu liều của Sinovac Biotech (Trung Quốc).

Thông tin về ngân sách mua vắc xin Pfizer không được công bố nhưng lô vắc xin này sẽ tới Thái Lan trong tháng 10 tới.

Trong khi đó, số tiền dùng để mua vắc xin Sinivac không vượt quá 6,1 tỷ Baht (190 triệu USD), theo phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan, ông Anucha Burapachasri. Quan chức này cho biết thêm, chi phí sẽ được trích từ các khoản vay theo một sắc lệnh hành pháp.

Một số nguồn tin tiết lộ, 1,5 triệu liều vắc xin Pfizer mà Mỹ chia sẻ sẽ tới Thái Lan trong tháng 7 và tháng 8.

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm cho ít nhất 50 triệu người, tương đương 70% dân số, vào cuối năm nay. Đến nay, nước này đã tiêm tổng cộng 11,05 triệu liều vắc xin, chủ yếu là Sinovac và AstraZeneca, cho người dân. Hơn 8 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên, và 3,03 triệu người đã tiêm đầy đủ.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).


Thanh Hảo

Thế giới hơn 4 triệu ca tử vong, Indonesia vỡ trận vì biến thể Delta

Thế giới hơn 4 triệu ca tử vong, Indonesia vỡ trận vì biến thể Delta

Tính đến sáng 6/7, tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 4 triệu người, theo Worldometers.