(Ảnh: AP) |
Reuters dẫn tin từ WHO cảnh báo, dịch vẫn chưa đạt đỉnh ở Trung Mỹ và các nước nên tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.
“Hơn 6 tháng kể từ khi đại dịch xảy ra, đây không phải là lúc bất kỳ một quốc gia nào lơi lỏng chống dịch”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tại một cuộc họp báo trực tuyến.
Hơn 7 triệu ca nhiễm virus corona
Quan chức trên cho hay, có hơn 136.000 trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu được thông báo vào ngày 7/6, mức tăng theo ngày cao nhất. Gần 75% trong số này tới từ 10 quốc gia, chủ yếu nằm ở khu vực châu Mỹ và Nam Á.
Mike Ryan, chuyên gia phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO, cho rằng các nước cần tập trung vào những gì đang làm để ngăn làn sóng lây nhiễm thứ hai. Theo ông, dịch Covid-19 đang lan mạnh ở các nước châu Mỹ, trong đó có Guatemala.
Brazil hiện là một trong những điểm nóng về dịch, với số ca nhiễm cao thế hai thứ giới, chỉ sau Mỹ và số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã vượt Italia vào tuần trước.
Theo Worldometers, tính tới giờ, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu là 7.183.906 và con số tử vong là 408.028 trường hợp. Trong 24h qua, năm quốc gia ghi nhận con số tử vong cao nhất vì Covid-19 là Brazil, Mỹ, Ấn Độ, Mexico và Peru.
Nhiều ca nhiễm không lộ triệu chứng tại điểm nóng Singapore
Ít nhất một nửa trong số các ca nhiễm Covid-19 ở Singapore không bộc lộ triệu chứng, một quan chức phụ trách lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của nước này cho biết hôm 8/6.
Singapore hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus corona cao nhất ở châu Á, với hơn 38.000 trường hợp. Số ca nhiễm bệnh ở Singapore tăng cao sau khi dịch bùng phát tại các khu tập thể chứa hàng nghìn lao động di cư.
Điều chưa từng có tại Liên Hợp Quốc vì Covid-19
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết, các lãnh đạo thế giới sẽ không tới New York, Mỹ để họp hàng năm vào cuối tháng 9. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra trong lịch sử 75 năm của tổ chức này, nguyên nhân là do dịch Covid-19.
Tuyên bố tại một cuộc họp báo ngày 8/6, ông Tijjani Muhammad-Bande bày tỏ hy vọng, trong hai tuần tới, ông sẽ công bố cách làm thế nào để 193 lãnh đạo các nước có thể phát biểu về các vấn đề thế giới và địa phương trong cuộc tổng thảo luận.
Tháng trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới, được cho là để chào mừng kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức, sẽ được giảm quy mô vì đại dịch.
Phong toả, cách ly cứu sống hàng triệu người
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 8/6, biện pháp phong toả và giãn cách xã hội đã cứu 3,1 triệu mạng người trên khắp 11 quốc gia châu Âu.
“Dù vậy, vẫn cần cẩn trọng”, đồng tác giả nghiên cứu Seth Flaxman thuộc trường Hoàng gia London cho biết. “Chúng ta mới chỉ ở đầu đại dịch, làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ ập tới nếu mọi biện pháp phòng ngừa bị dỡ bỏ nhanh chóng”.
Một nghiên cứu khác cũng đăng trên tạp chí này cho thấy, việc phong toả đã có tác động tốt trong việc làm chậm sự lây lan của virus corona chủng mới tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hoài Linh