Sản lượng lương thực của Triều Tiên đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018 do các yếu tố gồm “thiên tai, khả năng chịu đựng kém của cây trồng, thiếu thốn vật tư nông nghiệp, và mức độ cơ giới hoá thấp”, theo báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện trong khuôn khổ cuộc khảo sát của LHQ về các mục tiêu phát triển bền vững. 

Đây được xem là một trong những thách thức trong nước lớn nhất mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp phải kể từ khi lên cầm quyền.

{keywords}
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp. Ảnh: KCNA

Theo hãng tin Bloomberg, phái bộ ngoại giao Triều Tiên tại Liên hiệp quốc đã thông báo về báo cáo này vào ngày 13/7 và đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công khai một báo cáo như vậy.

Trong báo cáo, Triều Tiên cũng đổ lỗi cho lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp lên nước này liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là một phần nguyên nhân gây ra khó khăn. “Những trở ngại chính đối với nỗ lực của Chính phủ để đạt được phát triển bền vững cho đất nước” bao gồm “lệnh trừng phạt và cấm vận tiếp diễn đối với Triều Tiên”, báo cáo viết.

Báo cáo được công bố sau khi ông Kim Jong Un vào tháng trước xuất hiện trên truyền thông quốc gia để đưa ra một cảnh báo hiếm thấy, rằng “tình hình lương thực hiện nay đang căng thẳng”. Lời cảnh báo được đưa ra vào thời điểm mà dự trữ lương thực hàng năm thường giảm xuống thấp và phần lớn sản lượng lương thực còn chưa được thu hoạch. 

Tình trạng thiếu lương thực triền miên của Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn sau khi những trận bão vào năm 2020 gây mất mùa, cộng thêm việc nước này quyết định đóng cửa biên giới để chống Covid-19. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc, khoảng 40% dân số Triều Tiên hiện nay đang bị suy dinh dưỡng, và “mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đang diễn ra trên diện rộng ở nước này”.

Theo dự báo được Fitch Solutions đưa ra hồi tháng 4, nền kinh tế Triều Tiên gần như không tăng trưởng trong năm nay, sau cú suy giảm 8,5% - tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ghi nhận trong năm 2021, do nước này tiếp tục vận lộn với đại dịch, lệnh trừng phạt và sự suy giảm thương mại với Trung Quốc do đóng cửa biên giới.

Dù kinh tế khó khăn, Triều Tiên đến nay vẫn từ chối lời kêu gọi của Mỹ về nối lại cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, con đường có thể giúp nước này đỡ nới, dỡ trừng phạt kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, ông Kim Jong Un dường như đang tập trung giải quyết các vấn đề trong nước thay vì leo thang căng thẳng bằng những vụ thử vũ khí hay tập trận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook nhận định trước Quốc hội vào tháng trước.

Truyền thông Triều Tiên gần đây đưa tin nói rằng người dân nước này đã oà khóc khi chứng kiến ông Kim Jong Un sút cân nhanh. Giới quan sát phương Tây cho rằng việc Triều Tiên đưa tin hiếm hoi về sức khoẻ của nhà lãnh đạo có thể nhằm chứng minh rằng ông Kim đang làm việc hết sức để phục hồi nền kinh tế, theo đó tập hợp sự ủng hộ của người dân.

Theo vneconomy.vn

Kim Jong Un lo ngại về tình hình lương thực của Triều Tiên

Kim Jong Un lo ngại về tình hình lương thực của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết, tình hình lương thực của người dân nước này đang trở nên ‘căng thẳng’.

Triều Tiên lần đầu viện trợ tài chính cho nước ngoài sau hơn 15 năm

Triều Tiên lần đầu viện trợ tài chính cho nước ngoài sau hơn 15 năm

Triều Tiên đã có động thái viện trợ tài chính đầu tiên của cho nước ngoài kể từ năm 2005, khi đóng góp 300.000USD vào sáng kiến viện trợ nhân đạo cho Myanmar của Liên Hợp Quốc.