Hãng tin Tân Hoa Xã loan tin Trung Quốc đã thử nghiệm thành công công nghệ quân sự nhằm phá hủy các tên lửa tầm trung.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Hình minh họa hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung mà Trung Quốc thử nghiệm
Vụ thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc là năm 2010. Hãng tin Reuters cho rằng, động thái này của Bắc Kinh có thể khiến các quốc gia láng giềng e ngại.

Bản tin ngắn của Tân Hoa Xã nói rằng quân đội nước này đã tiến hành 'thử nghiệm hệ thống đánh chặn trên mặt đất các loại tên lửa tầm trung trong lãnh thổ của họ'.

"Vụ thử nghiệm đã đạt được mục tiêu đề ra trước đó" - THX trích lời một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

"Vụ thử nghiệm có bản chất tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác" - THX cho hay.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc không nói rõ loại tên lửa hoặc vật thể đã được thử nghiệm lần này.

"Mặc dù giới chức quân đội không đưa ra thông tin chi tiết về vụ thử, các chuyên gia trong hệ thống vũ khí nói rằng một vụ thử nghiệm như vậy có thể tạo nên lá chắn cho phòng không Trung Quốc bằng việc đánh chặn các đầu đạn đang bay tới không phận của họ, chẳng hạn như các tên lửa đạn đạo" - trích bài báo trên THX.

Các quan chức và tài liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây đều cho rằng việc phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa là một trong những trọng tâm trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc.

Sau nhiều năm, số tiền đầu tư cho hạng mục này đã được tăng lên thành hai con số.

Trong một động thái quân sự khác, Trung Quốc cũng tiến hành bay thử loại máy bay vận tải quân sự lớn nhất từ trước tới nay là Y-20.

Tờ tin tức Bắc Kinh dẫn lời quan chức quốc phòng nước này cho hay Y-20 sẽ “thúc đẩy rất lớn các khả năng trình diễn chiến lược liên lục địa của lực lượng không quân Trung Quốc”.

Chương trình Y-20 nhằm phát triển máy bay vận tải động cơ phản lực tầm xa hạng nặng, với kinh phí 20 tỷ nhân dân tệ (trên 3 tỷ USD). Đây là ưu tiên hàng đầu trong “Chương trình phát triển khoa học và công nghệ quốc gia dài hạn (2006-2020)” của Trung Quốc.

Y-20 có thể phục vụ như một máy bay tiếp dầu cho máy bay tiêm kích cỡ lớn J-11, J-20, máy bay chiến thuật J-10 và J-31. Nó cũng có thể là một trạm nhiên liệu trên không cho các máy bay ném bom tầm xa cỡ lớn, máy bay vận tải và máy bay tuần tra.

Các thử nghiệm quân sự này của Trung Quốc tiến hành trong bối cảnh Bắc Kinh đang có tranh chấp biển đảo căng thẳng với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với một số quốc gia ASEAN tại biển Đông.

Giải thích cho việc tăng cường quốc phòng, Bắc Kinh nói rằng chi tiêu quân sự của họ là vì mục đích hòa bình và hiện đại hóa lực lượng vũ trang lỗi thời.

  • Lê Thu (theo Reuters/THX/Kyodo)