Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ít khả năng sẽ tồi tệ thêm, nhưng một sự phục hồi hoàn toàn quan hệ song phương cũng khó xảy ra.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh triển khai các đòn trừng phạt về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mối bất hòa sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước vốn được châm ngòi bởi vụ Ankara bắn hạ chiến đấu cơ Nga Su-24 ngày 24/11 đã biến thành một cuộc khủng hoảng kéo dài.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Moscow ngày 23/9/2015. (Ảnh: Reuters) 

Bồi thêm căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối gặp người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị về khí hậu ở Paris. Trước đó, ông đã không nghe điện của người đứng đầu chính quyền Ankara, chứng tỏ lập trường kiên quyết của Moscow trong việc đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải nhận "hậu quả bi thảm" chứ không chỉ lời xin lỗi.

Tạp chí Russia Direct nêu 4 viễn cảnh cho quan hệ Nga - Thổ:

Căng thẳng leo thang

Không loại trừ khả năng này, chừng nào vẫn tồn tại cơ hội cho các vụ đụng độ tương lai giữa hai bên ở vùng biên Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Nó có thể trở thành hiện thực nếu Ankara tiếp tục ủng hộ người Turkmen ở Syria, còn Nga không thôi tấn công vào các vị trí của người Turkmen và các đồng minh khác của Thổ thuộc lực lượng đối lập ở Syria.

Bất cứ một vụ nào cũng có thể dẫn tới những hậu quả khó đoán. Hai bên có thể viện đến các lý do chính trị để leo thang căng thẳng, làm thay đổi mạnh mẽ cán cân các lợi ích chung, chẳng hạn tàu Nga bị cấm đi qua Eo biển Bosporus.

Đóng băng

Hai bên tiếp tục các quan điểm hiện nay, không ngừng đấu khẩu nhưng sẽ kiềm chế hành động khiến tình hình xấu đi. Cụ thể, Nga dừng các chuyến bay dọc biên giới Thổ - Syria, và Ankara không ủng hộ người Turkmen và đóng cửa biên giới để ngăn chặn các chiến binh IS, vũ khí, đạn dược và nạn buôn lậu.

Ấm lên

Ankara và Moscow - nhờ sự hòa giải của một nước có quan hệ mật thiết - nhất trí thường xuyên liên lạc với quan điểm phục hồi dần các tiếp xúc ít nhất ở cấp quân sự và ngoại giao. Một số lệnh cấm vận sẽ dần được dỡ bỏ.

Phục hồi

Để hiện thực hóa viễn cảnh này, cần phải có một cuộc họp ở cấp cao nhất: Putin và Erdogan. Sau một cuộc gặp như vậy thì nhiều khả năng Moscow sẽ thông báo bãi bỏ cấm vận. Hai bên bắt đầu hợp tác ở Syria trên một loạt các vấn đề về quân sự và chính trị. Có một điều kiện cần cho viễn cảnh này - một cấp độ tin tưởng cao giữa hai bên, được thực thi bởi các cơ chế hợp tác song phương thực sự.

Một sự leo thang căng thẳng sẽ bất lợi cho cả hai nước. Với Nga, nước đang trong tình cảnh kinh tế khó khăn thì các diễn biến theo hướng này có thể khiến cho ngân sách quốc gia càng thêm eo hẹp. Và cũng sẽ không có một liên minh nào ở Syria, trong khi các nước NATO buộc phải ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Ankara cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Nhưng khả năng quan hệ song phương ấm lên nhanh chóng trong tương lai gần là điều khó xảy ra. Sau một loạt các đòn cấm vận thì bất cứ một tuyên bố hủy bỏ trừng phạt nào cũng sẽ bị hiểu là dấu hiệu của sự yếu kém.

Tranh cãi giữa hai bên cũng rất sâu sắc và mang tính nền tảng, vì hai nước vốn đã có cái nhìn khác nhau về xung đột ở Syria. Moscow muốn Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị trong khi Ankara yêu cầu ông này phải rời nhiệm.

Một điều cần phải thừa nhận hiện nay, là mặc dù đấu tố nhau bằng những ngôn từ gay gắt thì hai bên vẫn kiềm chế hành động chống lại nhau. Các lệnh cấm vận Nga áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang tính giới hạn. Ở Syria, sẽ cần phải có một sự đồng thuận về việc phân ranh các đường bay. Đối với Nga, không có lý gì phải phát động chiến tranh ở cả hai mặt trận - một chống IS và một chống Thổ Nhĩ Kỳ. Phía chính quyền Erdogan cũng vậy.

Vì thế, viễn cảnh thực tế nhất hiện nay là quan hệ song phương sẽ tiến vào giai đoạn băng giá.

Thanh Hảo