Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 16/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay: "Chúng ta đang làm giàu nhiều uranium hơn trước cả khi ký kết thỏa thuận ... Sức ép với Iran gia tăng nhưng chúng ta sẽ tiếp tục phát triển".

{keywords}
Một góc nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: Reuters

Ông Rouhani nói thêm, Tehran hiện không bị ràng buộc bởi "bất kỳ giới hạn nào về năng lượng hạt nhân". Theo lãnh đạo chính phủ Iran, quốc gia Hồi giáo "giàu có hơn xét về điện nguyên tử".

Theo thỏa thuận hạt nhân quốc tế có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết giữa Iran với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc năm 2015, Tehran đã nhất trí làm giàu uranium chỉ ở mức tối đa 3,67% phù hợp để sản xuất nhiên liệu trong các nhà máy điện hạt nhân thương mại cũng như không tích trữ quá 300kg nguyên liệu này.

Ban đầu, Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 rồi tái áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế cũng như tăng cường lên án Tehran. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần xác thực điều này. Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức lớn tiếng từ chối theo đuổi chính sách gây "áp lực tối đa" với Tehran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, Iran bắt đầu giảm dần việc tuân thủ các cam kết đã ký trong JCPOA, viện dẫn lí do các cường quốc châu Âu đã không làm tròn nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận.

Giới phân tích nhận định, JCPOA hiện đối mặt với nguy cơ đổ vỡ cao sau khi ba "ông lớn" châu Âu ngày 14/1 bất ngờ kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp JCPOA.  Việc này chỉ thực hiện được khi một hoặc nhiều nước ký kết nghi ngờ có sự không tuân thủ thỏa thuận, rốt cuộc có thể dẫn tới việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cân nhắc có tái áp đặt các lệnh cấm vận chống Tehran hay không.

Tehran đã thề sẽ đáp trả cứng rắn nếu quyết định của các nước châu Âu khiến thỏa thuận JCPOA sụp đổ. Tehran cũng thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới được Mỹ hậu thuẫn.

Tuấn Anh