Đức đã đánh bại Mỹ để trở thành quốc gia được yêu thích nhất trên thế giới, theo một cuộc khảo sát nhằm xếp hạng các nước theo cách nhìn nhận của người ngoài.


{keywords}

Mỹ đã đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Danh tiếng quốc gia hàng năm trong suốt 5 năm qua. Bảng xếp hạng do Anholt-GfK đưa ra sau khi tiến hành phỏng vấn hơn 20.000 người ở 20 quốc gia, báo Independent đưa tin.

Trong bảng xếp hạng, Anh đứng thứ 3 và tiếp theo là Pháp, Canada, Nhật, Italia, Thụy Sĩ, Australia, Thụy Điển.

Khảo sát trên phản ánh "quan điểm của dư luận thế giới". Những người tiến hành khảo sát yêu cầu người tham gia xếp hạng 50 nước phát triển và đang phát triển dựa trên 23 yếu tố khác nhau.

Tổng kết, việc xếp hạng các nước dựa trên những giá trị nhằm xây dựng hình ảnh quốc gia, Anholt-GfK cho hay. Đó là các giá trị: xuất khẩu, lãnh đạo, văn hóa, con người, du lịch và nhập cảnh/đầu tư.

Simon Anholt, một nhà cố vấn chính sách độc lập, góp phần xây dựng cuộc khảo sát này cho biết, việc thăm dò được tiến hành ngay sau khi Đức giành thắng lợi tại World Cup 2014 và việc này giúp Đức được lợi trong mục "xuất sắc về thể thao".

Ngược lại, khảo sát diễn ra khi có một loạt sự kiện quốc tế lớn khiến người tham gia xếp hạng tại Nga và Ai Cập đánh giá thấp Mỹ trong lĩnh vực "hòa bình và an ninh quốc tế".

Những yếu tố kết hợp này đã lý giải nguyên nhân Đức vượt Mỹ trở thành nước được yêu thích nhất thế giới.

Ông Anholt nói: "Đức dường như không chỉ được lợi từ sự xuất sắc trong thể thao mà họ thể hiện ở World Cup, mà còn từ sự vững chắc mà nước này thể hiện trong vai trò lãnh đạo châu Âu thông qua một nền kinh tế mạnh và nền chính trị ổn định".

"Đức đã ghi điểm cao trong lĩnh vực quản lý nhà nước một cách công bằng và thành thạo, trong môi trường đầu tư và bình đẳng xã hội". Đó là những thành quả lớn nhất mà Đức đạt được trong các lĩnh vực của cuộc khảo sát.

Xiaoyan Zhao, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Anholt-GfK - đóng tại Đan Mạch nói, "trong một năm có vô số các cuộc đối đầu quốc tế, Mỹ đã mất uy tín ở những nơi mà căng thẳng đang diễn ra".

"Cả người Nga và người Ai Cập đều hạ thấp uy tín Mỹ, đặc biệt là khi đề cập tới cam kết của quốc gia này với hòa bình và an ninh thế giới cũng như khả năng lãnh đạo của Chính phủ Mỹ".

  • Hoài Linh