Triều Tiên đã làm thế giới bất ngờ khi tuyên bố thực hiện thành công một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H). Diễn biến này đã đặt ra một loạt câu hỏi.

{keywords}
Tin tức Triều Tiên thử bom H thu hút dư luận khắp thế giới.

Hãng tin Mỹ CNN nêu hỏi - đáp một số vấn đề chính:

Sự khác biệt bom H và bom A

Một quả bom H có sức công phá lớn hơn nhiều - lớn hơn bất kỳ những gì mà Triều Tiên từng thử nghiệm trước kia.

Các thử nghiệm mà Triều Tiên thực hiện cho đến nay sử dụng các vũ khí phân chia hạt nhân, phá vỡ các nguyên tử lớn như plutonium thành các nguyên tử nhỏ hơn. Những vũ khí như vậy có thể có một tác động hủy diệt.

Nhưng bom H sử dụng sự tổng hợp - dùng các nguyên tử nhỏ - chẳng hạn như hydrogen - và kết hợp chúng với nhau. Kết quả là một quả bom như vậy mạnh hơn bom nguyên tử hàng trăm lần.

Lý do: Để tổng hợp các nguyên tử nhỏ và bắt đầu một phản ứng tổng hợp thì một quả bom như vậy cần một năng lượng lớn. Năng lượng này xuất phát từ một quả bom nguyên tử bên trong một quả bom nhiệt hạch. Vì vậy, về cơ bản, một quả bom H gây ra hai vụ nổ riêng rẽ.

Tại sao Triều Tiên thử nghiệm bom H?

CNN dẫn lời Mike Chinoy, tác giả cuốn sách "Tan chảy: Câu chuyện về Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên (Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis), cho rằng, tăng cường năng lực hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Kim Jong Un.

"Tôi nghĩ một lần nữa nó phát đi tín hiệu rằng Triều Tiên là một cường quốc cần được coi trọng, và họ muốn phần còn lại của thế giới phải nhìn nhận họ một cách nghiêm túc", ông Chinoy bình luận.

Tại sao vào lúc này?

Trong một lá thư được truyền thông Triều Tiên đăng tải, Kim Jong Un đã viết rằng ông muốn đón chào năm mới bằng một tiếng nổ.

"Để năm 2016 chiến thắng vẻ vang, khi hội nghị lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức, hãy khiến thế giới ngước nhìn đất nước hạt nhân mạnh mẽ và đảng Lao động của chúng ta bằng cách mở cửa một năm bằng âm thanh phấn khích của quả bom khinh khí đầu tiên", lá thư có đoạn viết.

Triều Tiên thực sự có bom H?

Có lẽ là không, theo nhận định của một số nhà phân tích.

"Triều Tiên dường như đã có một thời gian khó khăn làm chủ ngay cả những cấp độ đơn giản nhất của một vũ khí phân hạch", CNN trích dẫn bình luận của Bruce Bennett, một chuyên gia quốc phòng cấp cao của Tập đoàn Rand, hồi tháng 12/2015 ngay sau khi Kim Jong Un tuyên bố nước ông đã trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân uy lực, sẵn sàng kích hoạt một quả bom H.

"Với suy nghĩ đó, rất có thể tuyên bố của ông Kim không đúng với sự thật, không gây ngạc nhiên cho những ai quen với những lời đe dọa của Triều Tiên".

Mỹ cho biết sẽ phải mất nhiều ngày để xác định liệu Triều Tiên có thử nghiệm thành công bom H hay không.

Nếu không phải bom H?

Có thể, Triều Tiên chỉ có một vũ khí "cải tiến" - sử dụng một lượng tổng hợp nhỏ để thúc đẩy tiến trình phân hạch, chứ không phải là một quả bom H.

Nhưng ngay cả một vũ khí được cải tiến thì cũng có thể gây ra thiệt hại lớn.

"Nếu Triều Tiên thực sự có một vũ khí cải tiến khoảng 50 kiloton thì nó cũng có thể gây thiệt hại lớn ở một thành phố đông dân như Seoul của Hàn Quốc. Khoảng 250.000 người có thể tử vong trong một cuộc tấn công như vậy, tức là khoảng 2,5% dân số", Bennett viết.

Thanh Hảo