Đáng...

Trưởng Ban kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành tuyên bố, Ban kỷ luật rất đau đầu khi cân nhắc đưa ra án phạt khi xử vụ đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy. "Bao công" mới của VFF và ê-kíp của mình thực tế rất đúng khi đưa ra án phạt 70 triệu, treo sân Hàng Đẫy, cấm đá không có khán giả 1 trận.

{keywords}
CĐV Hải Phòng làm loạn, đốt pháo sáng, BTC sân Hàng Đẫy chịu thiệt

Gói gọn án phạt ấy về lý lẽ là chuẩn, nhưng chính "công lý hoàn hảo" này lại đặt ra những tình huống dở khóc, dở cười. CĐV Hà Nội và rộng hơn là CĐV toàn quốc tiếc hùi hụi khi trận cầu "đinh", phân định cao thấp Hà Nội FC vs CLB TPHCM phải đá trên một sân đấu lạnh lẽo, không khán giả. Rõ ràng đấy là thiệt thòi mà không chỉ Hà Nội FC hứng chịu, vì lỗi của... CĐV Hải Phòng.

Sòng phẳng mà nói, độ "ấm" mà bóng đá Việt Nam có được sau thành công liên tiếp của thầy trò Park Hang Seo mang đến từ cấp độ đội tuyển chưa được truyền đầy đủ đến V-League. Rất nhiều sân bóng lạnh lẽo, kể cả những sân đấu có đội bóng từng được nhìn nhận là yêu mến nhất như sân Pleiku của HAGL. Chính Hàng Đẫy mới là sân bóng có lượng khán giả đều và đông nhất từ đầu mùa 2019 đến nay.

Phạt treo sân Hàng Đẫy nghĩa là tự tát vào niềm cảm hứng, giữ vai trò đầu tàu V-League. Như vậy là quá đáng tiếc, nhất là góc độ hình ảnh, giá trị thương hiệu lẫn quyền lợi của nhà tài trợ V-League. BTC V-League rõ ràng không thể an nhiên, vui vẻ khi niềm cảm hứng duy trì độ "hot" của V-League nhận cú sét đánh ngang tai như vậy. Nhà tài trợ V-League có lý do chính đáng để phàn nàn nhà tổ chức không đảm bảo quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ nhận được, một khi giải đấu được tổ chức trơn tru.

{keywords}
Trận cầu "đinh" vòng 7 V-League đá không khán giả, nhà tài trợ có lý do sầu muộn

Tiếc và tiếc rất nhiều, nếu tất cả suy xét đầy đủ những thiệt hại từ lệnh "treo" sân Hàng Đẫy được đưa ra. Hẳn nhiên, BTC sân Hàng Đẫy lần Hà Nội FC cũng không thể làm gì hơn ngoài việc tự chịu trận, dù họ rơi thế "quýt làm cam chịu". Công lý thực thi là để răn đe, giáo dục và sân Hàng Đẫy, Hà Nội FC và CĐV bóng đá chân chính phải chấp nhận hình phạt trớ trêu như vậy.

... không đáng

Phản ứng từ phía Hà Nội FC, sân Hàng Đẫy là chấp nhận án phạt. Sẽ không có khiếu nại hay kháng án nào từ phía đội bóng Thủ đô, tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội FC cũng bức xúc đề cập đến phương án nói không với khán giả mỗi khi đội chủ sân Hàng Đẫy chạm trán với Hải Phòng. Phía Hà Nội FC cho rằng, sức lực của BTC địa phương có hạn, có làm hết sức đi chăng nữa cũng khó ngăn, một khi CĐV mang âm mưu đốt pháo sáng. Bằng chứng là vài mùa gần đây, sân Hàng Đẫy liên tục vạ lây vì pháo sáng mỗi khi CĐV Hải Phòng đến làm khách.

Trên thực tế, sau khi xảy ra sự cố pháo sáng mịt mù ở trận Hà Nội FC vs Hải Phòng, Bộ VH-TT-DL lập tức ra chỉ đạo yêu cầu ngăn chặn hiện tượng quá khích này. Cơ quan này cũng có công văn gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ ngăn chặn nạn đốt pháo sáng ở các sân bóng Việt Nam.

{keywords}
Pháo sáng quá tai hại, nhưng dường như bóng đá Việt Nam mất bò mới lo làm chuồng

Hành động của Bộ VH-TT-DL là cấp thiết và cần thiết. Nhưng trước khi xảy ra sự cố pháo sáng ở Hàng Đẫy, hành động của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, BTC V-League là gì? VFF liên tục nhận án phạt tiền rất nặng từ AFC, vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng của CĐV trong các trận cầu của tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam. BTC V-League thì nhận được sự "năn nỉ", cầu cứu từ phía BTC địa phương (cụ thể là sân Hàng Đẫy) vì tiên đoán được nguy cơ CĐV Hải Phòng sẽ quậy, sẽ tìm cách đốt pháo sáng ở Hàng Đẫy. Vậy nhưng...

Một mình BTC địa phương chống lại nạn pháo sáng là không thể. Trớ trêu ở chỗ, khi xảy ra sự cố, cái thiệt nhất là BTC địa phương và đội bóng hứng chịu, còn "cấp trên" thì lạnh lùng ra kỷ luật vì "án tại hồ sơ". Và cũng chẳng có gì đảm bảo, sau Hàng Đẫy có những sân nào tiếp tục rơi cảnh quýt làm cam chịu như vậy.

Nỗi đau tận cùng của V-League và bóng đá Việt Nam.

 

Xem video:

Khắc Hoàng