Báo Công an nhân dân đã đề cập tới những trận đấu khả nghi, có số lượng bàn thắng cao kỷ lục tại vòng 14, 15 V.League - những vòng đấu không nhiều người hâm mộ chú ý do diễn ra cùng thời điểm với VCK Euro.

Cũng trong ngày hôm qua, chúng tôi đặt tất cả những vấn đề này lên bàn một thành viên của BTC giải thì được nghe lại một câu trả lời thật lòng: "Khi xem những trận đấu và những bàn thắng như thế, chính tôi cũng nghi ngờ". Tuy nhiên theo vị này, từ chỗ nghi ngờ đến chỗ tìm ra những luận cứ xác đáng, đủ sức thuyết phục để đưa ra kết luận cuối cùng lại cần rất nhiều thời gian.

Đây là một nhận định có thể chia sẻ, bởi để xử lý đến nơi đến chốn những trận đấu tiêu cực (nếu có), đúng là những người trong cuộc cần thời gian, và những biện pháp nghiệp vụ kín kẽ, hiệu quả nhất.

Chỉ mong là cùng với thời gian mọi thứ rồi sẽ được xác quyết một cách rõ ràng, bất luận theo chiều hướng đen hay trắng, chứ không phải là cái cớ để mọi thứ có thể tan biến dễ dàng. Và cùng với thời gian, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này để xem cách mà những nhà tổ chức nhìn nhận, ứng phó, giải quyết vấn nạn này ra sao.

{keywords}

Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng luôn đề nghị BTC giải cần đưa ra những lời giải thích rõ ràng.

Cần nhắc lại, ở lễ tổng kết mùa giải năm ngoái, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cũng đã truy vấn đến cùng ông trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc đến vấn đề này, rằng rốt cuộc "các trận đấu bị dư luận nghi ngờ" có tiêu cực thật hay không, nếu có thì tiêu cực diễn ra ở cấp độ nào?

Ông Hùng nói nguyên văn: "Lãnh đạo thành phố chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, và chúng tôi chờ các anh trả lời rõ ràng, cụ thể để báo cáo lãnh đạo, nhưng rốt cuộc các anh vẫn không trả lời được". Đây sẽ là một áp lực, một bài học để lần này BTC giải sẽ không để mọi thứ diễn ra theo cách cũ.

Vẫn liên quan đến những trận đấu lạ ở vòng 15 V.League, theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì cái lạ không chỉ đến từ hàng loạt những tỷ số nói theo dân cá cược là "nổ tài", mà còn đến từ cả những trận đấu có khá ít bàn thắng, điển hình như trận Hoàng Anh Gia Lai hoà Hải Phòng 1-1.

Ai cũng biết ngay sau trận đấu này, HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng đã lên tiếng chỉ trích trọng tài chính, điều khiển trận đấu - ông Trần Xuân Nguyện, vì cho rằng trọng tài này đã công nhận một bàn thắng được ghi từ thế việt vị của HA.GL.

Sự việc bị đẩy tới mức quyết liệt, rốt ráo khi sau đó đến lượt chủ tịch CLB Hải Phòng "tố" rằng 10 năm trước, ông Nguyện đã từng mắc lỗi khi điều khiển trận đấu Quân Khu 4 - Thành phố Hồ Chí Minh ở giải hạng Nhất Quốc gia, và đã bị treo còi vĩnh viễn (thực tế, theo trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi thì đây là một lời tố sai lầm, vì ông Nguyện chưa từng bị treo còi vĩnh viễn). Vấn đề đáng bàn ở đây là, theo cách phản ứng của HLV, cầu thủ và ban lãnh đạo Hải Phòng thì trọng tài Trần Xuân Nguyện là một "điểm nóng", đáng chú ý nhất của trận đấu này.

Tuy nhiên có những cái nóng khác, không liên quan đến ông Nguyện cần phải được nhận diện, điển hình là việc theo một thống kê đáng tin thì trước trận đấu, số lượng người đặt vào cửa Hải Phòng từ thua đến hòa bỗng tăng cao đột biến. Nếu xét ở phương diện chuyên môn thì một Hải Phòng đang băng băng dẫn đầu bảng tổng sắp, một Hải Phòng mà ở lượt đi đã thắng đậm và thắng dễ HA.GL chắc chắn phải được đánh giá cao hơn trong cuộc tái đấu này. Vậy tại sao lại có nhiều người đặt vào cửa Hải Phòng từ hoà đến thua nhiều như vậy?

Có thể mọi thứ bắt nguồn từ việc từ giai đoạn lượt về, Hải Phòng đã không còn duy trì được phong độ đỉnh cao, mà cũng có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng bất luận vì lý do nào thì BTC giải cũng cần xem xét và đưa ra một câu trả lời rõ ràng với những gì vừa diễn ra ở một đội bóng của một ông chủ vốn luôn luôn đòi hỏi sự rõ ràng.

Với sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng có liên quan, và những đòi hỏi, mong muốn chính đáng của người hâm mộ, tin rằng không sớm thì muộn, BTC giải cũng sẽ đưa ra câu trả lời chính thức của mình.

Thói quen đổ vấy...

Lịch sử V.League chứng kiến rất nhiều trường hợp các HLV, cầu thủ và thậm chí là cả lãnh đạo đội bóng phản ứng quyết liệt với trọng tài, hướng tầm chú ý của dư luận vào đó để che đi nhiều "tảng băng ngầm" khác. Thế nên khi điều khiển những trận đấu nhạy cảm, khổ cho các trọng tài là vừa phải cố gắng thổi đúng luật, vừa phải có cái uy và sự khôn ngoan, tỉnh táo để không bị các cầu thủ, HLV "chơi" mình.

Liên quan đến công tác trọng tài ở mùa giải năm nay cũng có một cái khổ nữa cho những trọng tài trực tiếp làm nhiệm vụ khi ông trưởng ban trọng tài lại đồng thời ngồi vào ghế phó ban tổ chức giải. Vì thế các trọng tài sẽ luôn bị soi trên soi dưới, và bất cứ sự cố nào (nếu có) cũng dễ bị đổ tại cho cái cơ chế mà người lãnh đạo đội ngũ trọng tài quốc gia "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Theo CAND