Tích cực tham gia đề án xây dựng đô thị thông minh

Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2025” được UBND TP.HCM công bố ngày 23/11/2017 đã thu hút sự chú ý lớn của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu của đề án đô thị thông minh là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần khẳng định cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin với các giải pháp cụ thể.

Trong tháng 05/2019, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các Trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó TP.HCM xác định tập trung xây dựng 4 Trung tâm, được xem là trụ cột của Đề án gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm An toàn thông tin.

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) được UBND TP.HCM phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Trên cơ sở đó, CNS hoàn thành việc thành lập Công ty trong năm 2019. Trung tâm được thành lập theo mô hình Công ty cổ phần để thu hút nhà đầu tư, qua đó có cơ chế và nhân lực tốt nhất cho vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho thành phố.

Thực hiện nhiều dự án phục vụ đô thị thông minh

Trong hơn 10 năm thành lập và phát triển, CNS đã không ngừng nỗ lực vươn lên và được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tích cực tham gia xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Trong quá trình hoạt động, CNS đã và đang từng bước ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và điều hành. Qua đó, rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu của các đối tác, cũng như tiết kiệm chi phí dịch vụ cung cấp,... hướng đến mô hình “đô thị thông minh”, góp phần thu hút doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh.

Không chỉ đóng góp hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước, với vai trò lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, lãnh đạo hội Tin học thành phố, thành viên Ban chỉ đạo đề án “Đô thị thông minh” và thành viên Ban chỉ đạo chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch của Thành phố, CNS luôn đồng hành, gắn kết cùng các doanh nghiệp, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành điện tử - công nghệ thông tin, bán dẫn, tự động hóa. Tập trung đầu tư và tìm kiếm đối tác phát triển các dự án công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao thông qua việc đầu tư vào các dự án phát triển các sản phẩm trong hệ sinh thái thẻ thông minh (smartcard) nhằm tạo thị trường đầu ra, phát triển sản phẩm và làm chủ công nghệ.

Cụ thể, CNS đang tham gia xây dựng các giải pháp thanh toán không tiền mặt (thẻ vé điện tử xe buýt, thẻ bệnh viện, thẻ công chức, thẻ sinh viên, thẻ học đường…) và đầu tư phát triển sản phẩm đầu đọc thẻ hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ ngay từ khâu thiết kế của một sản phẩm quan trọng trong hệ sinh thái thẻ thông minh.

Nhằm phát triển các ngành công nghệ mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, CNS còn tập trung vào việc thực hiện các dự án nhằm phát triển và quản lý hạ tầng CNTT, xây dựng Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) - trở thành công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, được thiết kế theo định hướng mô hình đô thị phần mềm (software city); xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng, Trung tâm ANTT, ứng cứu khẩn cấp (SOC) và các dự án khác phục vụ chương trình Smart City.

{keywords}
Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Quận 12.

Ngoài ra, CNS còn tích cực tham gia thực hiện các dự án thân thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc cho người dân theo tinh thần của Đề án Đô thị thông minh đã đặt ra thông qua việc đầu tư vào các dự án về điện gió, điện mặt trời,…

Song song với việc hợp tác - hợp tác để xác lập giá trị mới, liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để nhanh chóng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ có chất lượng quốc tế, CNS chú trọng việc tuyển dụng nhân sự, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự nhằm tạo đội ngũ nòng cốt đủ sức tham gia thực hiện các dự án Smart City của Thành phố. Dự kiến đến năm 2020, CNS sẽ là một doanh nghiệp được cổ phần hóa theo định hướng của Chính phủ. Với vốn điều lệ chi phối, CNS vẫn “giữ vai trò tiên phong trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Thành phố” theo đúng kỳ vọng của TP.HCM.

(Nguồn: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn)